Làm chủ công nghệ xét nghiệm doping
2:21 CH,16/12/2014

Dù đã có Phòng xét nghiệm doping được đầu tư máy móc hiện đại nhưng các xét nghiệm phát hiện sử dụng chất cấm (doping) trong thể thao hiện vẫn đi thuê các phòng xét nghiệm ở nước ngoài. Đủ kinh phí hoạt động, phát hiện được nhiều chất cấm nhằm minh bạch hóa thành tích thể thao là mong muốn của những người làm công tác phòng, chống doping ở nước ta hiện nay.

Đang trong thời điểm dồn sức phòng chống sử dụng chất cấm phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII, TS Nguyễn Văn Lỷ, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao (thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao) tranh thủ dành thời gian chia sẻ với phóng viên về công tác phòng, chống doping còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ông hào hứng mở đầu chuyện bằng một sự việc mà ông cho là chưa từng xảy ra: Cách đây vài ngày, nhân viên của trung tâm phải "đuổi theo" hai vận động viên xe đạp tại TP Hồ Chí Minh để lấy mẫu xét nghiệm doping ngay trên đường. Nguyên nhân, hai vận động viên này di chuyển cách xa tới 50 km so với hồ sơ đăng ký nơi tập luyện.

Chuyện vận động viên lẩn tránh kiểm tra doping không phải là mới, cho nên Trung tâm Doping và Y học thể thao thực hiện quyền kiểm tra của mình một cách quyết liệt, nghiêm minh hơn bao giờ hết. Thành lập từ năm 2011, với nhiệm vụ nghiên cứu, kiểm tra, phòng chống doping trong lĩnh vực thể dục, thể thao và lấy mẫu, xét nghiệm kiểm tra doping, Trung tâm đã lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm tại các giải thể thao lớn với mục đích minh bạch hóa các thành tích thể thao. Chỉ riêng năm 2014, đã có gần 100 mẫu xét nghiệm trước, trong và sau các giải như Asiad 18, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ IV...

Số lượng mẫu càng nhiều, sự vất vả của nhân viên lấy mẫu càng lớn; phải đợi cả ngày mới lấy được một mẫu nước tiểu đạt yêu cầu. Danh sách vận động viên phải xét nghiệm doping được Tổng cục Thể dục -Thể thao phê duyệt hằng năm, là những vận động viên thuộc các đội tuyển quốc gia các đội tuyển trên quốc gia và các đội tuyển quốc gia người khuyết tật.

Có một bất cập hiện nay là, tất cả các mẫu xét nghiệm vẫn phải gửi ra nước ngoài, tới các phòng xét nghiệm được Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) công nhận để xác định chất cấm. Theo TS Lỷ, nguyên nhân là phòng xét nghiệm của Trung tâm chưa mời được những chuyên gia giỏi từ Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và Trường đại học Quốc gia làm công tác xét nghiệm, tìm ra được những chất cấm theo quy định của quốc tế, Trung tâm đang từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn để làm chủ khoa học công nghệ phức tạp này. Để phát hiện được một chất cấm, các chuyên gia phải thao tác hàng trăm lần trên máy và chi phí khoảng 50 triệu đồng. Đến nay, phòng xét nghiệm của Trung tâm mới chỉ phát hiện được ra ba chất trong hơn hai trăm chất cấm được WADA công bố (đó là cần sa, ma túy, tăng cơ) và dự kiến, cuối tháng 12 này, các kết quả sẽ được công bố.

Tất cả mới chỉ là bước đầu của một lĩnh vực mới mẻ. Lãnh đạo Trung tâm cho biết, vì sự công bằng trong thể thao, vì những tấm Huy chương vàng thật sự của Việt Nam, Trung tâm phấn đấu mỗi năm "tìm" được 20 đến 30 chất cấm để từ năm 2016 đến 2020 đạt từ 100 đến 150 kỹ thuật mới được WADA công nhận. Khi đó, không chỉ tiết kiệm được chi phí xét nghiệm (còn khoảng từ 50 đến 70 USD/mẫu xét nghiệm thay vì 300 USD đi thuê như hiện nay), mà còn là địa chỉ để các nước gửi mẫu đến xét nghiệm cho vận động viên quốc tế.

Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần này, TS Lỷ cho biết, cũng do kinh phí hạn chế cho nên chỉ lấy 30 mẫu ở bốn trong số 45 môn thi đấu là bơi lội, cử tạ, điền kinh và TDDC với những vận động viên giành Huy chương vàng hoặc có dấu hiệu bất thường trong thành tích thi đấu. Một khi chưa thể "phủ sóng" hết các chất cấm và còn lấy mẫu hạn chế như vậy thì nhiều vi phạm có thể chưa được phát hiện, các thành tích thi đấu có thể chưa công bằng. Bởi vậy, TS Lỷ kiến nghị, ngoài việc đầu tư kinh phí cho phòng xét nghiệm hoạt động hiệu quả, việc tuyên truyền, giáo dục vận động viên, cán bộ quản lý thể thao và cộng đồng về tác hại của việc sử dụng doping cũng rất quan trọng. Sắp tới, nếu dự thảo thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua thì đây sẽ là hành lang pháp lý để các cấp và ngành thể thao thực hiện trách nhiệm tuyên truyền của mình.

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 7/12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn