Công nghệ xanh để phát triển bền vững
1:47 CH,26/09/2011

          

     Ý kiến của 500 đại biểu là quan chức chính phủ, học giả, chuyên gia quốc tế, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Thái Lan và quốc tế… về sử dụng công nghệ xanh đã gợi mở nhiều cho các quốc gia đang phát triển không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.

     Không phải ngẫu nhiên, ngay trong mở đầu phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đánh giá cao các nhà tổ chức của hội nghị. Theo đó, nhằm thể hiện góp phần thiết thực giảm thiểu lượng CO2 trong quá trình diễn ra hội nghị, Ban tổ chức không yêu cầu các đại biểu mặc vét và đeo cà vạt, nhiệt độ phòng chỉnh ở mức 25oC và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các hoạt động này chỉ là một khởi đầu nhỏ, nhưng thật ý nghĩa khi khơi dậy ý thức hành động trong cộng đồng nhằm giảm sự nóng lên toàn cầu.
     Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), TS. Surin Pitsuwan cảnh báo một loạt vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt. Đó là khủng hoảng về năng lượng, dân số, đói nghèo. Đơn cử như ASEAN, diện tích lãnh thổ chỉ chiếm 4% của thế giới nhưng dân số lại tăng đến 800-900 triệu người (chiếm gần 10% dân số thế giới). Bởi vậy, phát triển bền vững không phải là một lựa chọn mà cần thực hiện bằng thay đổi lối suy nghĩ của con người ở mọi giới đặc biệt là trong các ngành kinh doanh lớn để tạo nên hiệu quả trong sử dụng các nguồn tài nguyên trong phạm vi quốc gia và trên toàn cầu.
     Các đại biểu là doanh nghiệp tại hội nghị đều nhấn mạnh, sản phẩm thân thiện môi trường là tiền đề quan trọng cho thế giới ngày một tốt hơn. Với SCG, môi trường và tài nguyên thiên nhiên được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các cải tiến khoa học công nghệ của tập đoàn luôn hướng tới sự cân bằng môi trường. Ông Tanasak Sakariganon, Giám đốc Marketing của SCG cho biết, việc cùng sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là xu hướng giải quyết vấn đề bền vững của SCG. Sản phẩm hoặc dịch vụ được sử dụng với thương hiệu SCG phải qua sự đánh giá chất lượng gắt gao. Theo đó, sản phẩm phải thân thiện với môi trường thì mới có thể tồn tại lâu bền.
    Khẳng định tại hội nghị, ông Virat Aja - Apisit, Phó Tổng Thư ký Viện Tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan nêu rõ, tầm quan trọng của nhãn hiệu đạt tiêu chuẩn về môi trường sẽ giúp tăng vị thế của sản phẩm. Bởi phát triển bền vững là xu hướng được cả thế giới quan tâm và sẽ trở thành yếu tố quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia với nhau. Các sản phẩm không thân thiện với môi trường hoặc gây tác hại với môi trường, ảnh hưởng sẽ dần bị loại thải. Sự kiện Australia đưa ra quy định không mua những hàng hóa tiêu dùng mà có thành phần từ dầu cọ bởi việc trồng cọ là việc gây hại cho sự đa dạng sinh học của môi trường là một trong những ví dụ sinh động nhất; đồng thời là một cảnh báo cho những sản phẩm không thân thiện với môi trường.

Nguồn: "HNM online", 26/9/2011

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn