Nâng hàm lượng khoa học vào thực tiễn hoạt động của ngành
11:05 SA,16/12/2014

Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với nhu cầu  tăng của sản lượng sơ cấp đạt khoảng 7,5%/năm, cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng cũng tăng nhanh chóng, hoạt động năng lượng đang được định hướng dần tiếp cận theo cơ chế thị trường. Có được thành tựu đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị nghiên cứu khoa học, trong đó có Viện Năng lượng.

Ngành năng lượng càng lớn mạnh, hệ thống năng lượng càng phức tạp, đa dạng, quá trình phát triển đòi hỏi phải có tính cân đối thống nhất, bền vững và hiệu quả cao hơn. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu phát triển xanh, bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo được đặt ra như một tiêu chí thời đại.

Để đáp ứng đươc xu thế phát triển đó, những năm qua, với vai trò là tổ chức nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược, chính sách, quy hoạch, dịch vụ KHCN ngành năng lượng, Viện Năng lượng đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đề án lớn của nhà nước, Bộ Công Thương và các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng, góp phần phát triển ngành năng lượng cũng như thị trường KHCN ở Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng - cho biết: những năm gần đây, kết quả hoạt động nghiên cứu, tư vấn, dịch vụ, đào tạo và hợp tác KHCN của viện liên tục tăng trưởng cao. Tổng sản lượng bình quân đạt 120-130 tỷ đồng/năm; trong đó các nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược, chính sách và quy hoạch năng lượng, điện lực chiếm từ 20-25%, tư vấn và dịch vụ đạt 65-70%, còn lại là nghiên cứu KHCN từ vốn ngân sách chỉ chiếm từ 10 - 12%. Nhiều đề tài đã có tính thực tiễn cao, đem lại hiệu quả to lớn trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường.

Bình quân hàng năm, viện thực hiện từ 1 - 2 đề tài cấp nhà nước, 8 - 10 đề tài KHCN cấp bộ, 2 - 3 đề tài thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, 2 - 3 dịch vụ nghiên cứu ứng dụng như: nghiên cứu mô hình thủy lực, nghiên cứu đấu nối các nguồn điện vào lưới, lập kế hoạch đầu tư lưới điện truyền tải các giai đoạn, các giải pháp cấp bách bảo đảm cung cấp điện cho TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sau 5 năm nghiên cứu và triển khai ứng dụng thử nghiệm đề tài “Thiết kế, xây dựng công trình khí sinh học hình ống và quy mô trung bình”, mô hình đã chứng minh tính ưu việt của công nghệ khí sinh học quy mô trung bình như kết cấu bền vững, hoạt động hiệu quả, giá thành đầu tư phù hợp. Công trình do các nhà khoa học Viện Năng lượng và một số nhà khoa học khác thực hiện đã đạt giải 3 giải thưởng của Quỹ sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2013 (VIFOTECH). Nhiều nghiên cứu của viện đã góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống người dân tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa như: các mẫu bếp đun cải tiến tiết kiệm nhiên liệu đã được áp dụng ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình... hay ứng dụng lắp đặt pin mặt trời phục vụ bà con các dân tộc miền núi: Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng… Trong đó, thành công của đề tài ứng dụng pin mặt trời nối lưới tại trụ sở Bộ Công Thương và trụ sở Viện Năng lượng quy mô 5 kW đã mở ra hướng mới trong nghiên cứu ứng dụng pin mặt trời cho quy mô nối lưới áp dụng cho các tòa nhà cao tầng, khách sạn hay quy mô cụm dân cư…

Mặc dù cơ sở vật chất  phòng Lab còn hạn chế, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học còn mỏng, nhưng với số lượng  đề tài trung bình mỗi năm Viện Năng lượng thực hiện từ 80 - 112 đề tài  đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần vào định hướng phát triển, quản lý vận hành sản xuất và kinh doanh của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng cũng như  góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của đất nước nói chung.

Nguồn: Báo công thương, ngày 13/12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn