Khó thương mại hóa sản phẩm
11:02 SA,16/12/2014

Các doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm mới. Một trong những nguyên nhân chính do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tại hội nghị về phát triển DN KHCN  năm 2014 mới đây, một DN sản xuất ca nô, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC cho biết: sản phẩm được trao nhiều giải thưởng về KHCN nhưng lại không có khả năng thương mại hóa vì vẫn chưa được cấp đăng kiểm do chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC.

Không chỉ sản phẩm từ vật liệu mới PCC, dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược (Bình Dương); sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn); dây chuyền công nghệ cao chế biến tro bay ứng dụng tại các nhà máy nhiệt điện của Công ty cổ phần Sông Đà - Cao Cường (Hải Phòng)… và nhiều sản phẩm khác được trao tặng các giải thưởng về KHCN cũng đang rất khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm. Trong khi nhà nước khuyến khích đổi mới, sáng tạo, các sản phẩm nêu trên ra đời nhưng lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng khiến chính các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc xem xét, cấp phép lưu hành. Điều  này đã khiến cơ hội kinh doanh cũng như tính cạnh tranh sản phẩm của DN bị giảm.

Thực tiễn nêu trên cho thấy, một bất cập đáng suy nghĩ là DN đã đi tiên phong để phát triển và ứng dụng KHCN nhưng quản lý nhà nước thì vẫn chưa theo kịp sự phát triển.

DN KHCN đóng vai trò là đòn bẩy phát triển kinh tế tri thức. Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 phát triển được 5.000 DN KHCN, nhưng tính đến tháng 11/2014 cả nước mới có 132 DN được cấp giấy chứng nhận hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực về giống cây trồng, dược liệu, vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Hồng Quất - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN - cho biết: chính sách hỗ trợ khởi nghiệp DN KHCN hiện nay mới chỉ tập trung vào giai đoạn đầu (từ khi nghiên cứu đến khi ra sản phẩm). Trong khi yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của sản phẩm là phải thương mại hóa được ra thị trường. Nhiều DN kiến nghị, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật về gia nhập thị trường, cần phải bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước đối với DN KHCN. Cụ thể, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và cập nhật hệ thống tiêu chuẩn kiểm định lưu hành sản phẩm quốc tế có tính phổ biến để áp dụng trong nước giúp cho các sản phẩm KHCN mới được sản xuất và lưu hành. Các lĩnh vực chưa có quy định điều chỉnh, cần tham khảo và hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc đánh giá sản phẩm, kịp thời cho phép DN lưu hành trong nước và xuất khẩu (nếu đáp ứng được yêu cầu); hướng dẫn DN KHCN đăng ký và công bố các tiêu chuẩn được lưu hành...

Hỗ trợ DN KHCN tiếp cận thị trường thông qua việc ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước tại các dự án đầu tư, mua sắm của các cơ quan Chính phủ; khuyến khích sử dụng công nghệ trong nước; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện công nghệ có giá thành sản phẩm hạ, trợ giá, hỗ trợ lãi suất vay vốn để DN đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm KHCN mới hướng tới người có thu nhập thấp…

Nguồn: Báo công thương, ngày 9/12/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn