Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc: còn nhiều thách thức
10:40 SA,24/11/2014

Kết quả đầu tiên mang tính bước ngoặt, mở ra kỷ nguyên mới về tế bào gốc (TBG) là việc nhân bản vô tính cừu Dolly (1996) và phân lập thành công đầu tiên TBG phôi người năm 1998, từ đó mở ra tiềm năng mới trong y học về tái tạo. Dù có những kết quả nhất định, việc ứng dụng TBG hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Việt Nam đang có nhiều đơn vị nghiên cứu TBG, khả năng ứng dụng và phát triển ngành y học mới này làm nhiều người kỳ vọng và cũng không ít người băn khoăn.

 GS. Trương Đình Kiệt, chủ tịch Hội TBG TP.HCM cho biết, khoảng 10 năm nay, cả thế giới đổ xô nghiên cứu TBG, trong đó Singapore, Ý, Mỹ, Nhật, Israel, Hàn Quốc có nghiên cứu TBG mạnh mẽ nhất. Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc trong các nghiên cứu ứng dụng. Năm 1995, Viện truyền máu huyết học (nay là BV huyết học truyền máu TP.HCM) đã ghép TBG tủy xương điều trị cho bệnh nhân, đến nay bệnh viện này đã có 138 ca được điều trị bằng TBG. Việt Nam có 34 cơ sở nghiên cứu ứng dụng TBG (8 trường ĐH, viện nghiên cứu; 22 bệnh viện, viện điều trị; 4 công ty tư nhân) với tổng số khoảng 260 người tham gia.

Tại TP.HCM có 17 cơ sở, trong đó phòng nghiên cứu ứng dụng TBG của Trường ĐH khoa học tự nhiên là phòng thí nghiệm đầu tiên của cả nước. TP.HCM là nơi đầu tiên ghép TBG điều trị về máu, điều trị một số bệnh về nhãn cầu, giác mạc, thoái hóa khớp, điều trị loét đái tháo đường, bệnh COPD. Việt Nam hiện sử dụng TBG tự thân lấy từ mô mỡ, tủy xương của chính bệnh nhân để điều trị. Cũng có thể sử dụng TBG đồng loài từ người thân hoặc TBG máu dây rốn, mô dây rốn. Một số nước bắt đầu sử dụng TBG phôi... Có hơn 100 loại bệnh được công bố trên thế giới có thể điều trị bằng TBG.

Theo GS.TS. Phan Thanh Bình (nguyên hiệu trưởng ĐH quốc gia TP.HCM), để phát triển TBG cần gắn với thực tiễn, phối hợp tốt viện nghiên cứu - bệnh viện (thử nghiệm lâm sàng) - đơn vị sản xuất thương mại. Nếu chỉ nghiên cứu mà không có ứng dụng thực tiễn và không có đầu tư cho quá trình đưa ra ứng dụng thì khó phát triển.

TS. Phạm Văn Phúc, phó trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng TBG (Trường ĐH khoa học tự nhiên) cho rằng, dù TBG sử dụng trị nhiều bệnh, một số hiệu quả trị liệu lâm sàng được ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều thách thức về sinh học mà các nhà khoa học chưa làm sáng tỏ. Bí ẩn lớn nhất hiện nay là các con đường truyền tín hiệu cho sự tự đổi mới và biệt hóa của TBG. Một số câu hỏi quan trọng chưa trả lời thỏa mãn như TBG sẽ đi đến đâu trong cơ thể sau khi ghép, có thể kiểm soát việc di chuyển? Số phận của TBG sau ghép vào cơ thể như thế nào? Nên ghép TBG hay ghép tế bào đã biệt hóa hoặc ghép 2 loại này? Mối quan hệ giữa TBG và ung thư, tính toàn vẹn của TBG sau khi nuôi cấy hay biệt hóa in vitro?... Việc điều trị bằng TBG ở Việt Nam còn khá đắt, lại đang gặp thách thức lớn về kỹ thuật công nghệ, còn lạc hậu và chắp vá. Không kiểm soát hay kiểm soát không đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho sản phẩm TBG trước khi ghép vào cơ thể. Thiết bị liên quan bắt đầu lạc hậu làm giá thành điều trị cao, nguồn tế bào cho cấy ghép còn thiếu, các kỹ thuật phụ trợ phát triển không đồng bộ...

PGS.TS. Trần Công Toại (Trường ĐH y dược TP.HCM) cho biết, từ khi ứng dụng ghép tủy xương lần đầu tiên năm 1995 điều trị bệnh lý máu, đến nay số ca bệnh ngày càng tăng, và còn nhiều bệnh khác sử dụng TBG để điều trị như tim mạch, bệnh lý tổn thương mất da, khuyết hỗng xương, bệnh lý về mặt nhãn cầu... Sử dụng TBG điều trị ngày càng nhiều, tuy nhiên, không như thuốc, TBG không thể tạo ra sản phẩm và thử nghiệm trên nhóm lớn mà chỉ diễn ra ở những cá nhân riêng biệt. Hầu hết các bệnh điều trị bằng TBG là các tổn thương đặc biệt, bệnh mô... Vì vậy, tác dụng phụ và theo dõi an toàn về lâu dài cần được xác định từ lúc ghép tế bào ổn định và nhiều năm về sau. Theo GS. Trương Đình Kiệt thì nghiên cứu TBG trong y học là việc quan trọng, tuy nhiên, hiện các nhà khoa học Việt Nam đang trong tình trạng “4 không” là không có định hướng hoặc kế hoạch chiến lược, không có hướng dẫn và quy chuẩn thực hành, không kết nối các cơ sở nghiên cứu, không thống nhất trong thông tin và nhận định.

GS. Nguyễn Sào Trung (Bệnh viện ĐH y dược TP.HCM) lưu ý, hiện TBG được biết đến trong sử dụng điều trị bệnh và trong thẩm mỹ, trong lĩnh vực làm đẹp được quảng cáo rất nhiều. Tuy nhiên, chưa có kiểm chứng đáng tin cậy về hiệu quả thật đến đâu. Chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều vào TBG, đó là con dao hai lưỡi. Mặt khác, vô tình sử dụng bệnh nhân làm nghiên cứu khoa học, làm kinh tế, điều này vi phạm đạo đức y khoa. Các cơ quan chức năng, truyền thông cần cập nhật thông tin rõ ràng về TBG cho người dân hiểu một cách đúng, cũng như những kết quả đạt được trong điều trị cụ thể để người dân có niềm tin. Hiện nay, nhiều nơi nói mặt tốt TBG, còn kết quả của quá trình ứng dụng như thế nào thì rất ít thông tin.

Theo TS. Lê Trường Giang, chủ tịch Hội y tế công cộng TP.HCM, cần nhận thức đúng về TBG, cần xem hiệu quả thực đến đâu chứ không nên “thần thánh hóa” TBG, hiểu biết đúng để ứng dụng sát hơn, người dân dễ chấp nhận hơn. Nhiều nhà khoa học cho rằng, vấn đề pháp lý của ứng dụng TBG vào con người phải chặt chẽ. Ghép TBG như một dạng ghép tạng. Khác với ứng dụng cho động vật, ghép TBG cho con người đòi hỏi chuẩn mực để tránh những phức tạp phát sinh. PGS.TS. Trần Công Toại lưu ý về mặt pháp lý, đạo đức, tôn giáo... Nhiều nước trên thế giới có quy định chặt chẽ về ứng dụng TBG, ví dụ cho phép ứng dụng TBG trong điều trị nhưng cấm nhân bản ở người. Việt Nam cũng cần có quy định chặt chẽ trong việc này.

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 20/11/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn