Máy vắt bã sắn VBS14
1:16 CH,06/11/2014

Tại Việt Nam, với lượng củ sắn (khoai mì) chế biến 7 triệu tấn/năm, lượng bã thải ra là khoảng 5,5 triệu tấn. Bã sắn hiện thường được phơi hay sấy khô làm thức ăn gia súc, tuy nhiên do lượng bã thải ra nhiều và độ ẩm cao nên rất khó khăn trong việc xử lý sao cho hiệu quả.

Nếu vắt bã xuống dưới 60% ẩm, khối lượng của nó giảm đi 3/4 (1 tấn bã 90% ẩm sau vắt xuống 60% ẩm còn 250 kg) sẽ giảm đáng kể chi phí phơi hoặc sấy. Tuy đã có nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới về máy vắt bã sắn, song kết quả còn hạn chế, chưa được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất và đều chưa thương mại hóa.

Được sự tài trợ của Sở khoa học công nghệ TP.HCM, đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy vắt bã sắn năng suất 14 tấn/giờ cho nhà máy chế biến tinh bột sắn” đã được TS. Lâm Trần Vũ (Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) chủ trì triển khai thực hiện thành công trong một năm từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014. Nhờ hai điểm đặc biệt là kết hợp hai nguyên lý ép vắt bằng sức căng băng tải với ép trục băng tải lọc và hệ thống tạo lực ép cũng như hệ thống điều khiển bằng khí nén, máy VBS14 đã vắt bã sắn 90% ẩm xuống 60% ẩm rất tốt, hiện máy đã được ứng dụng hiệu quả tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận. Với năng suất 14 tấn/giờ, tổng công suất điện 7,5 kW, máy vắt được bã xuống dưới 60% ẩm, chi phí cho việc vắt bã giảm 70% so với vắt bằng máy ép trục vít hiện đang phổ biến ở Tây Ninh, “thủ phủ” của việc chế biến tinh bột sắn (máy ép trục vít chỉ vắt bã xuống được 72% ẩm).

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 6/11/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn