Báo cáo năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam
1:13 CH,06/11/2014

Sau 4 năm (2010 - 2013), theo dõi hoạt động của hơn 8.000 doanh nghiệp (DN), nhóm nghiên cứu thấy rằng, chỉ 11% doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhận được chuyển giao công nghệ từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 Đây là kết quả đưa ra tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện, công bố sáng 3/11/2014.

  GS John Rand, Đại học Copenhagen - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, phần lớn hoạt động chuyển giao công nghệ cho DN trong nước đến từ các DN khác trong nước (khoảng 66%); chỉ 1/5 DN Việt Nam có quan hệ với với DN FDI (trong khi liên hệ giữa các DN FDI với nhau rất chặt chẽ). Tác động lan tỏa của KH&CN từ DN FDI sang DN trong nước không xuất hiện thông qua các kênh điển hình (đối tác sản xuất).

 Ngoài ra, 90% DN Việt Nam không thực hiện và không bỏ kinh phí để nghiên cứu đổi mới công nghệ, do đầu tư tốn kém, khả năng thất bại cao.

 Đánh giá về thực trạng tiếp cận và chuyển giao công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam, các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cho rằng, kết quả tiếp nhận và chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, nhất là đối với khu vực kinh tế dân doanh, thể hiện ở việc chủ yếu nhận chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị trong nước. Trong khi đó, việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, cho doanh nghiệp trong nước diễn ra chậm, chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách và khuyến khích việc chủ động thực hiện chuyển gia công nghệ giữa các doanh nghiệp, với sự định hướng từ các cấp; từ quốc gia đến địa phương cũng như giữa từng doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.

 “Các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ để có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu cho doanh nghiệp một cách hiệu quả như trợ cấp, giảm thuế cũng như có những can thiệp về pháp luật về bảo hộ sáng chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến hoạt động nghiên cứu áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, GS. Finn thuộc trường ĐH Copenhagen nhấn mạnh.

 Từ thực tế DN FDI chuyển giao công nghệ ít ỏi, chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan kiến nghị xem xét lại chính sách thu hút FDI hiện nay. Theo đó, thay những ưu đãi dựa trên lời hứa của nhà đầu tư bằng ưu đãi trên thực tế chuyển giao công nghệ. “DN trong nước nhận được ít ưu đãi khó cạnh tranh với các DN FDI nhận được nhiều ưu đãi, nên các DN FDI thường “chơi với nhau”. Do đó, chính sách cần tạo sân chơi sòng phẳng giữa các DN”, bà Lan nói. Lấy ví dụ trường hợp của Samsung Việt Nam. Ngoài ưu đãi cho Samsung, cả DN con đi kèm cũng được ưu đãi lớn, như về đất đai, miễn giảm thuế… Trong khi DN trong nước vẫn phải thuê đất giá cao, thuế thu nhập DN 22%, khiến giá sản phẩm cao.

 Theo TS Lê Đăng Doanh, khi lợi nhuận của DN chủ yếu dựa vào tài nguyên, cơ chế xin cho, kiếm lời từ quan hệ, thì DN sẽ chưa đầu tư cho KH&CN. Trong khi, đầu tư cho công nghệ gặp quá nhiều rủi ro, vừa tung ra sản phẩm mới đã lập tức có sản phẩm nhái, hàng lậu.

Nguồn: NASATI, ngày 6/11/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn