Người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong nghiên cứu, sáng tạo
10:13 SA,05/11/2014

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bây giờ chúng ta thông qua được 1 mô hình. Nếu thí điểm thành công, với cơ chế chính sách, ưu đãi như thế, giao quyền tự chủ như thế, điều kiện làm việc như thế mà giữ được chân, tạo được điều kiện để những nhà nghiên cứu có thể sáng tạo được thì chúng ta sẽ sửa đổi Luật, Nghị định, Thông tư.

Và như vậy, các cơ sở nghiên cứu hiện tại sẽ có được những cơ chế chính sách để người giỏi có thể quay trở về làm việc. Bởi nếu với cơ chế chính sách hiện tại, ngay cả những viện lớn như Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam dù được đầu tư thế nào chăng nữa cũng không đủ sức thu hút người giỏi từ nước ngoài trở về.

Một khán giả từ TPHCM gửi thư về chương trình, hỏi: Thưa Bộ trưởng, mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm của nước ta được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD. Con số này còn rất khiêm tốn so với mức đầu tư tại nhiều nước. Ngay ở Trung Quốc, phòng thí nghiệm của một trường đại học cũng được đầu tư vượt xa con số 3 triệu USD. Tại Nhật Bản, chi phí đầu tư cho 1 phòng thí nghiệm trọng điểm từ những năm 1990 đã là 15-20 triệu USD. Bộ trưởng có nghĩ rằng việc thiếu đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ta đang ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi đồng ý là đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm của chúng ta còn thấp và cơ chế đầu tư còn vướng mắc. Bộ KH&CN phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ danh mục dự án đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm. Nhưng đến khi được phê duyệt, Bộ KH&CN lại không được tham gia vào quá trình đầu tư mà do bộ chủ quản cùng với Bộ KH&ĐT đầu tư, khi nào đầu tư xong thì bàn giao cho bộ chủ quản.

Đến lúc đó Bộ KH&CN trở lại cùng bộ chủ quản vận hành phòng thí nghiệm trọng điểm đó. Sau hơn 10 năm triển khai đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm, chúng tôi tổ chức kiểm tra thì mới thấy hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm đến lúc đầu tư xong thì trang thiết bị lạc hậu rồi.

Thưa Bộ trưởng, một khán giả thắc mắc rằng tại sao kết quả, đề tài nghiên cứu và đánh giá của hội đồng khoa học lại không được công khai?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo quy định của pháp luật, kết quả nghiên cứu sau khi được đánh giá nghiệm thu phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia kể cả đối với đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ.

Có thể khán giả thấy ở một địa phương thực hiện không nghiêm túc việc công khai kết quả đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu và theo báo cáo của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, chỉ hơn 60% đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ giao nộp kết quả cho Cục sau khi nghiệm thu, mặc dù đây là điều kiện tiên quyết để thanh lý hợp đồng nghiên cứu với cơ quan chủ trì. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chủ trì không chấp hành nghiêm chỉnh việc này. Do đó, việc thanh lý hợp đồng và quyết toán đề tài nhiều khi bị chậm trễ. Sắp tới, chúng tôi siết chặt vấn đề này. Nếu đề tài, dự án nào không nộp kết quả sau nghiệm thu thì sẽ không được thanh lý hợp đồng và quyết toán.

Nguồn: khoa học phổ thông, ngày 4/11/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn