Khánh Hòa: nghiệm thu đề tài “Đánh giá phạm vi phân bố và thử nghiệm nhân giống đối với 2 loài thông lá dẹt và Pơ mu”
10:27 SA,27/10/2014

Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Đánh giá phạm vi phân bố và thử nghiệm nhân giống đối với 2 loài thông lá dẹt và Pơ mu” do Kỹ sư Trần Giỏi (Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Khánh Hòa) làm Chủ nhiệm.

Trong 2 năm (từ tháng 6.2012 đến 6.2014), đề tài đã tổ chức khảo sát sự phân bố của 2 loài cây này tại các khu vực: Hòn Chảo - Vạn Lương (Vạn Ninh), Hòn Vọng Phu - Ninh Tây (Ninh Hòa), Hòn Giao - Sơn Thái (Khánh Vĩnh), Núi Man Han và Ô Kha - Sơn Trung (Khánh Sơn). Kết quả cho thấy, phát hiện được 3 quần thể thông lá dẹt với 49 cá thể phân bố trên diện tích nhỏ (47,3 ha) tại Vọng Phu (29 ha) và Hòn Giao (18,3 ha); tình trạng quần thể già nua, thiếu hụt lớp cây độ tuổi nhỏ và trung niên, tái sinh tự nhiên hạn chế do bị các loài cây khác cạnh tranh và chèn ép. Còn Pơ mu có phạm vi phân bố khá rộng, gồm 4 quần thể với 65 cá thể phân bố trên tổng diện tích 107,1 ha tại Vọng Phu (4,6 ha), Sơn Thái (95,8 ha) và Sơn Trung (6,7 ha), phần lớn có phẩm chất xấu hoặc cây kích thước nhỏ. Đặc điểm về sinh thái và phân bố của 2 loài là kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi trung bình, hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Cả 2 loài đều có khả năng tái sinh yếu kém (mật độ cây tái sinh của thông lá dẹt từ 36-160 cây/ha và Pơ mu từ 44-60 cây/ha) và cây tái sinh phần lớn thuộc cấp chiều cao dưới 0,5 m. Như vậy, kết hợp với các kết quả điều tra khảo sát trước đây tại Hòn Bà, đến nay phạm vi phân bố của 2 loài thông lá dẹt và Pơ mu tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận được là 224,6 ha với 198 cá thể (75 cá thể thông lá dẹt, 123 cá thể Pơ mu).

Kết quả thử nghiệm nhân giống 2 loài này tại 2 vườn ươm ở Hòn Bà và xã Sơn Thái cho thấy: thông lá dẹt và Pơ mu nhân giống bằng hạt có tỷ lệ nảy mầm tương đối khá (65,8% hạt thông lá dẹt và 59,7% hạt Pơ mu nảy mầm); bằng phương pháp giâm hom, hom Pơ mu có tỷ lệ ra rễ khá cao (từ 61,1 - 71,7%), còn hom thông lá dẹt đã không thành công (chỉ 1% hom ra rễ). Theo dõi sinh trưởng trong 18 tháng nhận thấy, cây hạt sinh trưởng rất chậm và yếu trong giai đoạn đầu, tỷ lệ sống trung bình (thông lá dẹt 51,5%, Pơ mu 54,9%) và cây hom Pơ mu, tỷ lệ sống thấp (30% sau 18 tháng). Số cây con phát triển sau 18 tháng đủ tiêu chuẩn xuất vườn, được kiến nghị đem trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.

Từ các kết quả nêu trên, đề tài đã có một số đề xuất và kiến nghị nhằm bảo tồn hệ sinh thái, cũng như bảo tồn nguồn gen của 2 loài cây quý hiếm này.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 24/10/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn