Tiền Giang: chuyển giao quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” và xây dựng mô hình “Ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa”
2:27 CH,23/10/2014

Trong những năm gần đây, rầy nâu luôn có mật số khá cao và gây hại liên tục cho ruộng lúa ở Tiền Giang. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá nhiều để phòng trừ rầy nâu đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe con người. Hơn nữa, việc phun thuốc hóa học ở giai đoạn lúa trổ đã làm lúa bị lép nhiều và giảm năng suất.

Sử dụng chế phẩm Ometar là một trong các biện pháp sinh học có hiệu quả trong quản lý tổng hợp (IPM) đối với rầy nâu hại lúa. Chế phẩm Ometar có hiệu lực bền lâu, nên chỉ cần phun một đến hai lần trong một vụ là có thể duy trì hiệu quả trừ rầy cho suốt vụ. Đặc biệt, chế phẩm này không gây ảnh hưởng xấu tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường.

Ngày 13.10.2014, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nghiệm thu và đánh giá xếp loại A đề tài chuyển giao quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” và xây dựng mô hình “Ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Tiền Giang. Đề tài do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long chủ trì, TS Nguyễn Thị Lộc chủ nhiệm nhằm quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lúa tại tỉnh Tiền Giang một cách hiệu quả theo hướng sinh thái an toàn, bền vững.

Đề tài được thực hiện tại huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt vượt mức các chỉ tiêu đề ra:

- Xây dựng được 7 nhóm nông dân và tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao quy trình “sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” cho nông dân tham gia mô hình thực nghiệm tại 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây với 212 lượt người tham dự.

- Xây dựng được 37,33 ha mô hình thực nghiệm “Ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa” (vượt chỉ tiêu 7,33 ha). Kết quả cho thấy, ruộng mô hình giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và tăng lợi nhuận lên 1.215.200-1.673.200 đồng/ha (6,5-10,3%) so với ruộng đối chứng phun thuốc hóa học của nông dân.

- Xây dựng được 148,85 ha mô hình nhân rộng (vượt chỉ tiêu 28,85 ha) tại 6 xã của 3 huyện nói trên với 215 hộ tham gia. Kết quả cho thấy, chế phẩm nấm xanh Ometar nông dân tự sản xuất đã quản lý rầy nâu hiệu quả, an toàn và bền vững. Ruộng mô hình nhân rộng đã giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và tăng lợi nhuận 765.800-2.030.540 đồng/ha (5,1-11,4%) so với ruộng đối chứng phun thuốc hóa học.

Chế phẩm nấm xanh Ometar do nông dân sản xuất có giá rất rẻ (12.000 đồng/túi) nên giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ rầy nâu hại lúa. Sử dụng chế phẩm Ometar nông dân tự sản xuất chỉ tốn 60.000 đồng/ha cho 1 lần phun, trong khi nông dân sử dụng thuốc hóa học để trừ rầy nâu thì chi phí thấp nhất cũng là 180.000 đồng/ha và cao nhất là 720.000 đồng/ha (đối với trường hợp phun thuốc Chess 50 WG). Quy trình sản xuất đơn giản, nên nông dân sẽ chủ động lập kế hoạch nhân nuôi nấm xanh cho từng vụ để quản lý rầy nâu và bọ xít hại lúa. Đồng thời, chế phẩm Ometar nông dân tự sản xuất an toàn trực tiếp cho người sản xuất lúa, người tiêu thụ sản phẩm gạo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Do đó, việc sản xuất chế phẩm nấm xanh Ometar sẽ dễ dàng được “xã hội hóa” và như vậy việc quản lý rầy nâu sẽ được tiến hành đồng bộ trên quy mô lớn.

Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 22/10/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn