Công nghệ CAS mở hướng xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản
11:59 SA,13/10/2014

Một tin vui với người trồng vải khi mười tấn vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản đã được thị trường chấp nhận và đánh giá cao về chất lượng. Giá trị quả vải đã được nâng lên đáng kể khi ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản. Nhưng để xuất khẩu được ra thị trường thế giới, vẫn còn nhiều vướng mắc để doanh nghiệp có thể chính thức đầu tư vào mặt hàng tiềm năng này.

Mặc dù là một trong mười loại đặc sản của Việt Nam, nhưng đặc tính rất dễ hỏng khiến việc tiêu thụ và xuất khẩu vải gặp nhiều khó khăn. Bài toán này được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tìm ra lời giải với việc ứng dụng công nghệ CAS (Cell Alive System), để bảo quản thực phẩm đông lạnh hiện đại của tập đoàn ABI (Nhật Bản). Theo PGS, TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Viện NC và PTV) cho biết: Đây là công nghệ không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào, chỉ dùng phương pháp đông lạnh nhanh kết hợp với dao động từ trường để xử lý. Sản phẩm được bảo quản có thể giữ được hàng năm, thậm chí hàng chục năm mà không ảnh hưởng đến chất lượng sau khi rã đông. Qua các đánh giá từ các chuyên gia và người tiêu dùng ở Nhật Bản về mười tấn vải thiều mẫu cho thấy: Quả vải của Việt Nam vỏ có mầu đẹp, mùi vị ngon hơn, cùi có lực đàn hồi, cảm giác như đang ăn tươi, hơn hẳn sản phẩm của các nước khác. Với giá 1 USD/3 quả chỉ là hàng đông lạnh nhập từ Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản đều sẵn sàng mua quả vải của Việt Nam với giá trung bình khoảng 1 USD/2,5 quả. Cũng tại thời điểm này tại Việt Nam, quả vải được bán khoảng 1 USD/60 quả, cho thấy giá trị quả vải sẽ được tăng lên hàng chục lần nếu biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Đoàn công tác của Bộ KH và CN trong chuyến khảo sát thực tế vừa qua tại Nhật Bản đã có nhận định: Hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản quả vải. Các chuyên gia và người tiêu dùng đã chấp nhận về chất lượng, cho nên với giá bán quả vải hiện nay trên thị trường Nhật Bản thì doanh nghiệp có thể yên tâm là có lãi. Nhưng công nghệ CAS chỉ có tác dụng bảo quản, giữ cho sản phẩm được tươi như mới trong thời gian dài, chỉ nên sử dụng với những sản phẩm dễ bị biến chất như quả vải, có giá trị cao và mang tính thời vụ. Về bài toán kinh tế, doanh nghiệp cũng không nên lo lắng khi sử dụng công nghệ CAS thì chi phí sẽ đắt lên, giá sản phẩm sẽ cao hơn so với thị trường và khó tìm được khách hàng. Bởi trên thực tế, nếu ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản sản phẩm với số lượng lớn thì giá thành sẽ rất thấp. Trong thời gian tới, Bộ KH và CN sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo công nghệ CAS được "nội địa hóa" tại Việt Nam, đủ cung cấp cho thị trường, giảm bớt nỗi lo gia tăng chi phí về công nghệ cho doanh nghiệp.

Theo PGS, TS Lê Tất Khương, ngoài quả vải, doanh nghiệp nên có sự tính toán sử dụng công nghệ CAS với một chuỗi các loại sản phẩm mang tính thời vụ khác, không chỉ khấu hao được hết công suất của máy mà nếu mang ra bán tại các thời điểm khan hiếm khác trong năm sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để có mười tấn quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản làm mẫu, Viện NC và PTV chỉ chọn được một số hộ trồng quả vải đạt tiêu chuẩn VietGap để xử lý bằng công nghệ CAS. Tương lai, Viện NC và PTV sẽ nghiên cứu thêm một số công đoạn và phối hợp với doanh nghiệp, địa phương và người dân mở rộng vùng nguyên liệu, trước hết đạt tiêu chuẩn VietGap, tương lai có thể đạt tiêu chuẩn Global Gap, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính với giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng, để có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế cần có sự tham gia, đồng hành từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, để cùng xây dựng một cơ chế lưu thông sản phẩm và hoạt động hợp tác song phương với các nước.

Hiện nay, để xuất khẩu quả vải đang tồn tại nhiều khó khăn, nhất là về mặt thủ tục, pháp lý.

Doanh nghiệp vẫn chờ đợi một cơ chế, chính sách cụ thể để có thể đầu tư phát triển lâu dài. Nhưng qua việc xuất khẩu thành công mười tấn quả vải vào thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đã thấy một hướng đi mới cho những loại sản phẩm khó bảo quản như quả vải nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.

Nguồn: Báo công thương, ngày 11/10/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn