Thêm cơ chế cho KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp
12:23 CH,06/10/2014

Nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp; cơ chế chính sách đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp... là những băn khoăn, đề xuất của lãnh đạo một số quận, huyện tại hội nghị “Áp dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Sở KH&CN Hà Nội tổ chức mới đây.

 Theo Sở KH&CN Hà Nội, trong giai đoạn từ 2010 - 2014, các đề tài, dự án nghiên cứu đã tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, ứng dụng CN mới, sản phẩm mới thuộc các lĩnh vực giống cây con, nuôi trồng, xử lý môi trường... Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Rao – Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, về cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KHCN vẫn thiếu, không đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm, dẫn đến việc triển khai các khâu còn chậm, hiệu quả chưa cao. Lãnh đạo một số quận, huyện chưa thực sự chú trọng, quan tâm đầu tư cho hoạt động KHCN, thiếu chủ động đề xuất, đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần KHCN giải quyết... “Để khắc phục những hạn chế này, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các văn bản liên quan đến lĩnh vực KHCN; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm KHCN...” - ông Rao nhấn mạnh.

 Để KHCN thực sự mang lại hữu ích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đa số đại diện lãnh đạo quận, huyện cho rằng, cần quan tâm, nghiên cứu đầu tư và nhân rộng mô hình; thủ tục dự án KHCN đến với bà con cần nhanh gọn, đơn giản... 

 Đại diện phòng nông nghiệp huyện Sóc Sơn cho biết, toàn huyện có 13 nhóm, 2 liên nhóm HTX sản xuất với trên 40 loại rau củ, quả các loại. Cục sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rau hữu cơ Sóc Sơn”. Huyện đã ký hợp đồng cung ứng rau hàng ngày với 10 công ty và 5 cửa hàng chính thức đang tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội với sản lượng mỗi tháng trên 20 tấn rau các loại. Tuy nhiên, việc duy trì, quản lý và bảo vệ phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu vẫn gặp những khó khăn về công tác quản lý, mở rộng thị trường; kinh phí hoạt động cho việc duy trì quản lý thương hiệu còn thiếu. “TP cần có cơ chế chính sách dành nguồn lực đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp nhiều hơn, khuyến khích các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp...” - vị này kiến nghị.

Đại diện huyện Thanh Oai cũng cho rằng, hiện còn nhiều DN chưa quan tâm đến việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất. Kinh phí dành cho hoạt động KHCN còn hạn chế, chưa kịp thời hỗ trợ các hoạt động cũng như động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực KHCN. Vị này đề xuất, TP cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác KHCN; kinh phí theo chương trình triển khai KHCN hàng năm cần cấp sớm để các huyện triển khai nhiệm vụ được kịp thời.

Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, nhiều thách thức với nông nghiệp trong thời gian tới. “UBND TP đang chỉ đạo các cơ quan tập trung triển khai một số lĩnh vực trọng tâm, trong đó có ứng dụng KHCN trong nông nghiệp. Hiện, đã tập trung vào các lĩnh vực hoa, quả, bò sữa, gia cầm... nhưng hàm lượng công nghệ mới đạt 15-17%. Mục tiêu toàn quốc năm 2020 là 35%, Hà Nội yêu cầu phải cao hơn. Như vậy, để đạt mục tiêu đề ra, UBND TP đã xây dựng chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tùy tình hình ngân sách và đặc điểm nông nghiệp TP để đầu tư phù hợp, hiệu quả”. - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt nhấn mạnh.

 Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị, 2/10/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn