Nghiên cứu độc tố của nấm ma phát sáng trong đêm
10:40 SA,03/10/2014

Một nhóm nghiên cứu thuộc Học viện quân y và Bệnh viện Bách Mai đã nghiên cứu ảnh hưởng của dịch chiết nấm ma (Omphalotus Nidiformis) lên một số chỉ tiêu hóa sinh và huyết học trên động vật.

Nấm ma là loài nấm thường mọc trên gỗ mục và phát sáng trong đêm. Vì vậy, nó có tên là nấm ma. Độc tố của nấm ma là illudin, một chất phát quang. Những người bị ngộ độc nấm này thường có triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và đau bụng . Hiện nay, chưa có tài liệu nào được công bố về ảnh hưởng của loài nấm này lên các cơ quan, hệ thống của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số chỉ tiêu hoá sinh và huyết học ở thỏ thí nghiệm bị ngộ độc dịch chiết nấm ma qua đường tiêu hoá bị thay đổi. Hoạt độ AST, ALT, GGT huyết thanh tăng lên ở ngày thứ 1 và 5 sau ngộ độc. Hàm lượng glucose trong máu tăng lên ở ngày thứ 1. Hàm lượng bilirubin toàn phần, ure, creatinin, triglycerid, cholesterol không thay đổi trong toàn bộ thời gian theo dõi.

Số lượng bạch cầu, tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng lên và tỷ lệ bạch cầu lympho, bạch cầu mono giảm xuống có ý nghĩa thống kê ở ngày thứ 1 và thứ 5 sau ngộ độc. Số lượng hồng cầu, tiểu cầu, hàm lượng huyết sắc tố không thay đổi so với trước ngộ độc.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn