Người tự chế bếp tiết kiệm củi di động
10:33 SA,03/10/2014

Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, anh Hoàng Thắng, trú tại ngõ 6, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, T.p Lạng Sơn, đã cho ra đời chiếc bếp đun củi như ý. Chiếc bếp củi có thể tận dụng mọi thứ để đốt như: mùn cưa, rơm rạ, lõi ngô, các đầu mẩu cây que... đặc biệt là tiết kiệm được từ 50 đến 60% chất đốt, so với bếp thường.

Anh Triệu Văn Trường ở thôn Than Muội, Quang Lang, (Chi Lăng), phấn khởi nói: Tình cờ ra chợ thị trấn Đồng Mỏ, (Chi Lăng), thấy anh Thắng bán chiếc bếp lạ. Khi đem về sử dụng theo hướng dẫn, qua một tháng dùng thấy rất tiện lợi, giảm được rất nhiều củi. Cụ thể, một bó củi nặng 5kg có thể đum nấu cơm, nước cả ngày cho cả gia đình với sáu người ăn. Nhưng nếu đốt ở bếp trần thì phải dùng đến năm bó củi. Sử dụng bếp này tiện kiệm củi rất lớn, chỉ cần tận dụng những cành cây nhỏ, lá cây... là có thể đốt được không cần dành thời gian lên rừng chặt cây to về đun nấu nữa, lại vừa bảo vệ được rừng...

Kể về sự ra đời của chiếc bếp đun củi, anh Hoàng Thắng tâm sự: Mỗi lần có dịp về quê thấy bà con trong làng dùng những bếp trần và thường ngày lên rừng hái củi về đun nấu. Vì vậy, nhiều khu rừng đã bị chặt hạ mà người dân phải đị bộ cả một buổi sáng mới kiếm được gánh củi, nhưng chỉ đun được một hai ngày lại hết và rồi cuộc sống cứ lại xoay vần như vậy mãi...

Qua tìm hiểu trên thị trường, hầu hết các cửa hàng đều bán bếp đun than tổ ong, bếp lò đun than cám...các bếp này đều không thể đốt được những thanh củi hoặc tận dụng rơm rạ, lõi ngô, mùn cưa, lá cây...mà ở nông thôn rất sẵn có. “Tôi mong muốn giúp người nông dân tận dụng các loại vật liệu sẵn có ở nông thôn dùng để đun nấu”. Anh Thắng tâm sự.

Sau nhiều lần thử nghiệm các loại bếp, anh Thắng đã sáng chế ra chiếc bếp mà các bộ phận chính đều được đúc bằng gang chịu nhiệt cao; bếp có khoảng cách chống nóng vỏ lò và giữ nhiệt cho lò bằng tro bếp. Bếp có hai cửa cho củi vào đốt, để tiết kiệm củi khi nấu cơm thì đóng một cửa lại, nếu nấu cám lợn thì mở hai cửa thì lửa bốc to đun nhanh.

Hiện nay, anh Hoàng Thắng đã sản xuất hai loại lò, loại nhỏ có trọng lương nặng 13 kg, dùng cho nấu cơm, đun nước, cho gia đình ít người; loại to có trọng lượng 16 kg, phục vụ gia đình đông người. Bếp lò có thể tháo dời từng bộ phận và lắp ghép lại nhờ vậy có thể di chuyển bếp bất cứ chỗ nào thuận lợi theo ý của gia đình... Do hoàn cảnh kinh tế gia đinh anh Hoàng Thắng còn rất khó khăn, nên việc đầu tư sản xuất ra những chiếc bếp tiết kiệm củi còn hạn chế, mặt khác anh phải về Hải Phòng để sản xuất lò vì ở Lạng Sơn không có cơ sở đúc lò gang nên chi phí để cho ra đời một chiếc lò khá cao.

Anh Hoàng Thắng mong muốn nếu được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp để sản xuất loại bếp đun củi này, thì sẽ hạn chế phần nào cho bà con nông dân ở các vùng quê bớt được nạn chặt phá rừng và kể cả ở thành phố sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân tận dụng được mọi thứ vật liệu để đun nấu.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn