Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam
10:29 SA,03/10/2014

Theo Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đã họp đánh giá đề tài “Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn công nghệ thông tin, truyền thông, điều khiển áp dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam”. Đề tài mang mã số KC.01.14/11-15, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.01/11-15 do TS. Tạ Tuấn Anh làm Chủ nhiệm đề tài, cùng các cộng sự tại Trung tâm tin học và tính toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện.

ITS (Intelligent Transportation System) là hệ thống giao thông thông minh cải thiện an toàn, linh động và nâng cao hiệu suất giao thông bằng cách sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm giảm thiểu ách tắc, cải thiện độ an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội của giao thông vận tải. Có thể nói, đây là lĩnh vực nghiên cứu cần thiết đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cần ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống ITS để Nhà nước kiểm soát việc triển khai ITS ở Việt Nam, tránh việc sử dụng, ứng dụng các công nghệ lạc hậu của nước ngoài. Ngoài ra, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư và nghiên cứu phát triển các sản phẩm trong hệ thống ITS.

TS. Tạ Tuấn Anh cho biết, sau 2 năm thực hiện (từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013), bằng phương pháp nghiên cứu khoa học và hợp lý, cách tiếp cận phù hợp với nội dung của đề tài, nhóm thực hiện đề tài đã làm chủ các công nghệ tiên tiến áp dụng trong phát triển các hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam. So với các công nghệ do tư vấn nước ngoài đề xuất đưa vào áp dụng tại Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội mang lại hiệu quả cao về khoa học.

Với hệ thống được thiết kế theo như các ý tưởng đã đề xuất trong Bộ dự thảo tiêu chuẩn kiến trúc, các hệ thống thành phần và chuẩn giao tiếp trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam, các công nghệ đã áp dụng trong hệ thống như: giám sát giao thông bằng hình ảnh camera; dò đếm theo dõi tự động phương tiện qua hình ảnh; thông tin giao thông bằng bảng điện tử cỡ lớn; hạ tầng truyền thông và thông tin dùng trong giao thông thông minh và phù hợp với dự thảo các tiêu chuẩn đề tài đã nghiên cứu.

TS. Tạ Tuấn Anh cũng khẳng định, việc làm chủ được các công nghệ tiên tiến và đưa ra được các định hướng, yêu cầu phù hợp cho các hệ thống giao thông thông minh triển khai tại Việt Nam đã tiết kiệm được rất nhiều đầu tư. Khi so sánh các hệ thống do nước ngoài đề xuất thực hiện tại các dự án như đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương và Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giấy với dự án do tư vấn trong nước đề xuất thực hiện tại đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cùng quy mô hệ thống, mức đầu tư của nước ngoài gấp nhiều lần so với trong nước.

Hiện tại, các dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của đề tài đã được chuyển giao cho Bộ Giao thông vận tải tham khảo và đưa vào kế hoạch lấy ý kiến của các chuyên gia, tổ chức. Một số kết quả của đề tài đã được áp dụng thử nghiệm vào thực tiễn, bước đầu có những kết quả tốt như: Hệ thống quản lý, giám sát điều hành giao thông thông minh tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; hệ thống camera giám sát giao thông Thành phố Hà Nội; hệ thống kiểm soát số thu phí đường bộ trạm Hoàng Mai và Bãi Cháy; hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh trên Quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân - Ninh Bình.

Trong thời gian tới, nhóm thực hiện đề tài mong muốn việc xây dựng các quy chuẩn, kỹ thuật hệ thống công nghệ cao trong lĩnh vực giao thông thông minh sẽ do các nhà khoa học trong nước xây dựng dựa trên việc làm chủ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần đảm bảo khuyến khích việc sử dụng các nguồn lực trong nước để phát triển các hệ thống mà Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ và đã có những kết quả tốt trong thực tiễn. Đồng thời, nhóm thực hiện đề tài mong muốn các cơ quan chức năng cho phép các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đều thống nhất các chỉ tiêu kỹ thuật trong các tiêu chuẩn là phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu khi áp dụng triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam. Tuy nhiên cần triển khai thực hiện và có sự hiệu chỉnh cho phù hợp với giao thông tại nước ta.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn