Nghiên cứu ghép tấm biểu mô niêm mạc miệng nuôi cấy trên thực nghiệm
4:14 CH,02/10/2014

Đây là đề tài do nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Thủy, Hoàng Thị Minh Châu, Bệnh viện mắt trung ương; Nguyễn Thị Bình, Trường đại học y Hà Nội thực hiện.

Rối loạn bề mặt nhãn cầu nặng do suy giảm toàn bộ tế bào gốc (TBG) vùng rìa là một thách thức đối với các bác sĩ nhãn khoa, do mức độ khó khăn trong tiên lượng và điều trị. Biểu hiện của các rối loạn này là sự xâm lấn của biểu mô kết mạc, tổ chức xơ và tân mạch vào giác mạc, gây giảm thị lực trầm trọng, kèm theo các dấu hiệu kích thích cơ năng, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Thời gian gần đây, ghép tấm biểu mô niêm mạc miệng nuôi cấy (TBMNMMNC) là giải pháp mới cho những bệnh nhân bị rối loạn bề mặt nhãn cầu 2 mắt, đã được nghiên cứu trên thực nghiệm và áp dụng thành công trên người ở nhiều nước phát triển. Từ năm 2009 tới nay, khoa kết giác mạc, Bệnh viện mắt trung ương kết hợp với bộ môn mô phôi, Trường đại học y Hà Nội tiến hành nghiên cứu và áp dụng phẫu thuật này, bước đầu cho kết quả khả quan trên lâm sàng. Để có minh chứng khoa học cho phương pháp ghép tấm biểu mô niêm mạc miệng trong điều trị các bệnh lý rối loạn bề mặt nhãn cầu do tổn thương TBG, nhóm nghiên cứu tiến hành ghép trên thỏ thực nghiệm để đánh giá khả năng sống và hình ảnh vi thể của TBMNMMNC sau khi ghép kiến tạo bề mặt nhãn cầu.

Kết quả nghiên cứu thành công trên thỏ thực nghiệm là minh chứng khoa học cho phẫu thuật ghép TBMNMMNC, tạo cơ sở cho việc ứng dụng phương pháp này trên bệnh nhân.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn