Hoai mục rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học: Mô hình
11:21 SA,01/10/2014

Mới đây, trong một chương trình ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Sở NN&PTNT, một số hộ dân trên địa bàn huyện Đông Triều đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học để làm hoai mục rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng.

 Theo cách làm truyền thống, sau mỗi vụ thu hoạch bà con nông dân phải vật đất lên, vùi các gốc rạ xuống để cải tạo đất chuẩn bị cho vụ lúa mới. Thời gian để các gốc rạ hoai mục phải mất khoảng 20-25 ngày, chiếm gần hết thời gian cải tạo đất nên ảnh hưởng đến chất lượng đất và thời gian canh tác của người dân. Khi người dân ứng dụng phương pháp làm hoai mục rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học sẽ làm giảm thời gian hoai mục, tăng độ phì nhiêu cho đất nhiều hơn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học, rơm rạ hoai mục hoàn toàn trong khoảng 7-10 ngày, đất mịn, không có mùi tanh hôi. Việc này đã hỗ trợ đáng kể cho người nông dân trong khâu cải tạo đất vào vụ mới. Chị Nguyễn Thị Thúy Huyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Quế (xã Hoàng Quế), đơn vị sử dụng chế phẩm AT-YTB do Công ty TNHH thương mại Xuất nhập khẩu Linh Lam (TP Hải Phòng) phân phối nhận xét: Cách sử dụng chế phẩm này khá đơn giản, chỉ cần rắc trên đồng rộng và lồng vào đất trong quá trình làm đất. Tác dụng làm hoai mục rơm rạ của chế phẩm cũng thể hiện rất rõ ràng, thời gian rơm rạ hoai mục hoàn toàn ngắn hơn 2/3 thời gian so với biện pháp thông thường. Anh Nguyễn Văn Thành, thôn 3 xã Hưng Đạo cho biết thêm: Chúng tôi thì sử dựng chế phẩm AT-BIO do Công ty TNHH MTV Sinh học nông nghiệp Văn Giang (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) sản xuất, có dạng nước, phun trên đồng ruộng. Mặc dù thời điểm phun gặp mưa giông, ít nhiều chế phẩm bị trôi đi song kết quả rơm rạ vẫn hoai mục trong khoảng 10 ngày, hơn nữa đất trên đồng ruộng mịn, mát hơn, ít mùi hôi hơn.

Điều đáng nói, việc tận dụng rơm rạ hoai mục còn giúp đất được bổ sung chất dinh dưỡng, tốt cho cây trồng bởi các chế phẩm này thực chất là bộ vi sinh vật có ích, có thể phân giải chất hữu cơ, lân và kích thích sinh học, nhân lên các vi sinh vật có ích khác. Như vậy khi rơm rạ hoai mục tốt trên đồng ruộng thì người nông dân hoàn toàn có thể hạn chế sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí sản xuất, giảm tác động xấu đến môi trường mà cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện chi phí về phân hóa học cho mỗi sào lúa khoảng 300.000 đồng, nếu so sánh với giá thành chế phẩm sinh học hoai mục rơm rạ hiện nay khoảng 60.000-80.000 đồng/ sào thì việc sử dụng chế phẩm sinh học này sẽ đem lại nhiều cái lợi như có lợi về kinh tế cho người nông dân, cây cối, hoa màu tăng trưởng tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm giàu dinh dưỡng cho đất hơn...

Từ những lý do trên cho thấy, việc ứng dụng chế phẩm sinh học làm hoai mục rơm rạ ngay trên đồng ruộng sau thu hoạch thực sự có tác dụng đối với người nông dân. Mô hình này cũng nên được nhân rộng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nguồn: Khoa học phổ thông, tháng 8/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn