Ảnh hưởng của mật độ nuôi lên tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá khoang cổ cam
10:38 SA,01/10/2014

Nghiên cứu được thực hiện với 4 nghiệm thức (1, 2, 3 và 4 con/l) nhằm tìm ra mật độ nuôi thích hợp cho cá khoang cổ cam trưởng thành, tác giả là ThS. Trần Thị Lê Trang, Trần Văn Dũng, Trường Đại học Nha Trang. Kết quả cho thấy, cá được nuôi ở mật độ 1 và 2 con/l đạt SGR, chiều dài toàn thân và tỷ lệ sống cao nhất, tiếp theo là nuôi ở 3 con/l và thấp nhất là ở 4 con/l. Như vậy, mật độ 2 con/l đảm bảo tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế trong nuôi cá khoang cổ cam trưởng thành.

 Cá khoang cổ cam (Amphiprion percula), là một trong những loài cá cảnh được ưa chuộng nhất trong giống cá khoang cổ, do chúng có màu sắc sặc sỡ và khả năng thích nghi cao trong điều kiện nuôi nhốt. Nhìn chung, cá khoang cổ cam có giá cao hơn từ 3 – 5 lần so với các loài cá khoang cổ khác, dao động từ 200 – 400 ngàn đồng/con.

 Do nhu cầu thị trường cao trong khi khả năng cung cấp con giống nhân tạo hạn chế đã làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên của nhiều loài cá cảnh, nhất là trong trường hợp sử dụng các biện pháp khai thác mang tính hủy diệt.

 Để khắc phục vấn đề này, nhiều nước như Thái Lan, Philippines và Malaysia đang quan tâm nghiên cứu sinh sản nhân tạo nhiều loài cá khoang cổ, trong đó có cá khoang cổ cam.

 Ở nước ta, các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo được bắt đầu từ năm 2000 và đã đạt được những thành công nhất định trên 3 đối tượng chính là cá khoang cổ đen đuôi vàng (A. clarkii), cá khoang cổ đỏ (A. frenatus) và cá khoang cổ nemo (A. ocellaris).

 Việc ương nuôi cá cảnh nói chung và cá khoang cổ nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hệ thống, kỹ thuật nuôi, dinh dưỡng, mật độ nuôi, chế độ chăm sóc, các yếu tố môi trường và dịch bệnh. Trong đó, mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và kĩ thuật nuôi. Việc gia tăng mật độ sẽ giúp tận dụng tốt diện tích nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, điều này lại đi kèm với nhiều rủi ro như làm giảm tốc độ sinh trưởng, tỉ lệ sống, đồng thời làm tăng tỉ lệ phân đàn và nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi, đặc biệt trong điều kiện nuôi với mật độ cao.

Nguồn: Khoa học công nghệ, tháng 8/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn