Năm giải pháp phát triển và ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
2:48 CH,22/07/2011

       Ðể đẩy nhanh việc ứng dụng các sản phẩm sinh học vào sản xuất nông sản an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương thực hiện một số dự án chuyển giao KTTB và ứng dụng sản phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn như: Dự án sản xuất thử nghiệm: "Xây dựng mô hình ứng dụng thuốc BVTV sinh học để xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc" do Chương trình nông thôn và miền núi hỗ trợ. Kết quả bước đầu cho thấy các dự án đã thu được nhiều kết quả quan trọng như:

        Lựa chọn các sản phẩm phù hợp, có hiệu quả kỹ thuật cao cho từng đối tượng dịch hại và từng loại cây trồng. Ðánh giá được các yếu tố tác động đến hiệu quả của các sản phẩm sinh học và giải pháp khắc phục, từ đó góp phần hoàn thiện quy trình ứng dụng đồng bộ các sản phẩm sinh học để có thể nhân rộng sử dụng một cách bền vững.

       Xây dựng được các mô hình ứng dụng sản phẩm sinh học để sản xuất rau an toàn theo chu trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua các mô hình đã khẳng định các thuốc BVTV sinh học có thể thay thế từ 60 đến 70% thuốc hóa học, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phòng trừ dịch hại ở giai đoạn cận thu hoạch và đang trong chu kỳ thu hoạch (với các loại rau gối lứa). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, cấp chứng chỉ sản phẩm, nâng cao được uy tín, giá trị của sản phẩm trên thị trường, tăng thêm thu nhập cho người sản xuất.

       Các kết quả bước đầu cũng cho thấy, cần có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc sản xuất và ứng dụng các sản phẩm sinh học BVTV phục vụ sản xuất nông sản an toàn:

         1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ưu tiên đăng ký sản phẩm; hỗ trợ tiếp nhận công nghệ và vay vốn để xây dựng các dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học trên quy mô lớn ngay trong nước nhằm ổn định chất lượng và hạ giá thành.

        2. Có chính sách hỗ trợ và ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư khai thác các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là các nguồn mà Việt Nam có lợi thế như các loại cây độc làm thuốc thảo mộc (ruốc cá, trẩu, sở, xoan ta, xoan Ấn Ðộ) hay khai thác các nguồn phụ phẩm như bã sở, hạt chè để sản xuất thuốc BVTV sinh học.

         3. Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng các thuốc BVTV sinh học cũng cần đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón sinh học để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khác có liên quan như dư lượng kim loại nặng hay nitrat. Có như vậy mới thúc đẩy được thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm sinh học BVTV.

         4. Mở rộng phạm vi nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm sinh học sang các cây trồng khác, nhất là các cây trồng nhạy cảm với an toàn thực phẩm như chè, cây ăn quả... để thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm sinh học.

         5. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân. Ðẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng sản xuất sinh học.

Nguồn: "Báo NDĐT", 21/7/2011

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn