Nghề trồng nấm: Chậm phát triển vì thiếu quy hoạch
2:33 CH,22/07/2011

       Vấn đề nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, nhiều đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được một số loại giống nấm ăn, nấm dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường ở Việt Nam và cho năng suất khá cao. Với các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm đã đưa năng suất nấm tăng gấp 1,5-3 lần so với trước. Tính trung bình, để giải quyết việc làm cho một người lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng chỉ cần khoảng 20 triệu đồng tiền vốn và 100 m2 đất để làm trang trại.
       Những năm qua, một trong những đơn vị đi tiên phong trong nghiên cứu các loại nấm mới, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm đến người dân là Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. Đây là địa chỉ chuyên sản xuất các loại giống nấm gốc, giống cấp 1, 2, 3 với sản lượng hơn 300 tấn giống/năm. Trung tâm cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm cho hơn 40 tỉnh, thành phố. Đây cũng là đơn vị có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và các trang thiết bị khá hiện đại, phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu với quy mô lớn.

        Nhìn tổng thể thì ngành trồng nấm Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là chưa có quy hoạch phân vùng và chưa đa dạng chủng loại nấm do thiếu cơ sở nghiên cứu đạt trình độ quốc tế. Việt Nam cũng chưa có trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trồng nấm cấp vùng nên việc đưa kỹ thuật này về nông thôn gặp hạn chế. Về lâu dài, Nhà nước nên tạo điều kiện để tiến tới thành lập Hiệp hội nấm toàn quốc nhằm tập hợp các nhà khoa học, cơ sở sản xuất, các hộ nông dân giàu kinh nghiệm..., tạo thêm sức mạnh tổng hợp, góp phần đẩy nhanh tốc tộ phát triển ngành nấm ở Việt Nam.

       Nhiều nhà khoa học cho rằng, điểm yếu của ngành nấm nước ta chính là công nghệ sau thu hoạch chậm phát triển, chưa có các nhà máy công nghiệp chuyên chế biến nấm, dẫn đến tình trạng "mất mùa trong nhà" do nông dân sơ chế không đúng cách. Ngoài ra, nấm Việt Nam hiện chưa có thương hiệu và có nguy cơ chịu chung số phận như gạo, chè, cà phê, hạt điều khi các nhà xuất khẩu nấm Việt Nam phải "chịu" để các DN nước ngoài chế biến và đóng gói lại sản phẩm của mình với nhãn mác mới, tiếp tục bán ra thị trường với giá cao hơn.

       Trong kế hoạch phát triển các điển hình nông thôn mới, Chính phủ đã đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những trọng điểm cần nhân rộng, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân. Nếu biết phát huy tốt các lợi thế sẵn có thì mục tiêu mỗi năm sản xuất 1 triệu tấn nấm ăn, nấm dược liệu trong thời gian tới sẽ không phải là quá xa vời.

Nguồn: "HNM online", 22/7/2011

 

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn