Kit Elisa kiểm soát dư lượng kháng sinh
4:36 CH,15/07/2014
Chỉ mất 30 phút, người sử dụng có thể phát hiện thịt, cá có nhiễm dư lượng kháng sinh (DLKS) hay không nhờ bộ kit Elisa. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu công nghệ cao TPHCM. Hiện bộ sản phẩm đang xin phép Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp.
Th.S Bùi Quốc Anh, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, cho biết bộ kit Elisa phát hiện nhanh DLKS dựa trên cơ chế cạnh tranh miễn dịch giữa kháng nguyên có gắn enzyme đánh dấu enrofloxacin lên kháng thể đặc hiệu. Công nghệ này được Th.S Bùi Quốc Anh học được trong những năm tu nghiệp tại Australia. Sau đó, anh mang ý tưởng về Việt Nam, cùng các cộng sự tại Khu công nghệ cao TPHCM bắt tay nghiên cứu gần 3 năm mới hoàn thành.
Theo Th.S Bùi Quốc Anh, cơ chế nhận biết DLKS của kit Elisa khá đơn giản. Khi đưa mẫu thử vào miệng giếng thử, nồng độ enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của mỗi giếng. Nếu nồng độ enrofloxacin cao tương ứng với màu nhạt, còn nồng độ enrofloxacin thấp tương ứng với màu đậm. Như vậy chỉ cần nhìn vào 2 màu đậm hoặc nhạt là có thể biết được thủy sản có nhiễm enrofloxacin hay không.
Điều đáng nói tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết, bộ sản phẩm kit Elisa ra đời xuất phát từ thực tế lúc bấy giờ, tình hình nhiễm kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản luôn đặt trong tình trạng báo động. Trong đó, nổi bật nhất là dòng kháng sinh enrofloxacin - một loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm. Hiện Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình nhiễm DLKS vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) ở 4 thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia thì Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2006-2010. Tính trung bình trong giai đoạn này, mỗi năm Việt Nam thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu thủy sản bị trả lại.
Những tháng đầu năm 2014, EU và Nhật Bản liên tiếp phát hiện dư lượng oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam nên đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% các lô hàng và sẽ có những biện pháp phạt nặng hơn nếu tình trạng nhiễm oxytetracycline không suy giảm. Các đơn vị y tế khuyến cáo, DLKS có nhiều tác hại đối với sức khỏe con người như dị ứng, nổi mề đay, ban đỏ. Một số khác gây ngộ độc. Nếu tích lũy do dùng lâu ngày có thể gây suy gan, suy thận thậm chí gây ung thư, đột biến gen.
Th.S Bùi Quốc Anh khẳng định, để hạn chế tác hại cần có thiết bị phát hiện DLKS chính xác và cho kết quả thật nhanh. Kit Elisa mà đơn vị đã phát triển có thao tác xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện, không cần nhân viên chuyên môn cao, chi phí kiểm mẫu thấp do có thể kiểm đồng thời số lượng mẫu lớn. Một bộ kit có thể phân tích được 50-80 mẫu. Đặc biệt, giá dự kiến mỗi bộ kit chưa đến 100 USD, bằng 1/4 so với bộ thử ngoại nhập. “Hiện kit Elisa đã được một doanh nghiệp tư nhân đồng ý chuyển giao. Tuy nhiên, chúng tôi đang đợi giấy phép của Bộ Y tế, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường”, Th.S Bùi Quốc Anh cho biết thêm.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 8/7/2014
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn