Quan tâm triển khai các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt
4:41 CH,07/07/2014

Chuẩn bị cho việc xây dựng, ban hành cơ chế mới về Chương trình xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại, bảo vệ môi trường, chiều 4/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát và tìm hiểu mô hình Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, tỉnh Bình Dương.


Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương có diện tích 100 ha, quy hoạch tại ven thị xã Bến Cát, phục vụ cho một khu vực rộng lớn gồm 5 đô thị và 4 huyện trong khu vực, đặc biệt là các KCN sôi động phía Đông Nam TPHCM.

Chủ đầu tư dự án Công ty Cấp thoát nước môi trường Bình Dương cho biết, với mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, Khu liên hợp có thể tiếp nhận xử lý 1.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ rác được tái chế khoảng 420 tấn, chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 450 tấn. Ngoài ra, Nhà máy còn tiếp nhận xử lý rác công nghiệp, rác nguy hại với công suất 150 tấn/ngày, rác y tế 1,8 tấn/ngày.

Với công nghệ được đánh giá là khá tiên tiến, Khu liên hợp có tái chế thành phân compost với nhà máy sản xuất phân compost có công suất 420 tấn/ngày và nhà máy xử lý nước rỉ rác với công suất 480m3/giờ, yêu cầu xử lý nước rỉ rác đạt loại A.

Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương có công suất giai đoạn 1 là 17.650m3/ngày đêm, cùng hệ thống mạng lưới thu đường ống thải dài khoảng 280km nhằm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trong TP. Thủ Dầu Một. Công nghệ xử lý sử dụng bùn hoạt tính tuần hoàn đảm bảo nước xử lý đạt quy chuẩn của cơ quan môi trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, vấn đề môi trường luôn là lĩnh vực ưu tiên của chính sách phát triển của Chính phủ. Đặc biệt, đối với một tỉnh phát triển công nghiệp và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như Bình Dương với 28 khu công nghiệp, tốc độ gia tăng dân số bình quân 10%/năm, thì yêu cầu xử lý lượng rác thải công nghiệp và sinh hoạt là vấn đề rất lớn và cấp bách.

Hiện Chính phủ đang giao các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế nhằm đẩy mạnh triển khai các dự án xử lý chất thải tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, phù hợp với đặc thù chất thải sinh hoạt ở Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu, đánh giá các mô hình đã triển khai có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo cơ chế, chính sách rất “khó” này đi vào cuộc sống.

Dự án Nam Bình Dương có điểm đáng chú ý là việc tạo thành khu liên hợp, có thể xử lý rác thải nhiều chủng loại nên có thể xem xét ở khả năng phát triên bền vững, có thể có lợi nhuận để nhân rộng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tương tự.

Đánh giá cao việc Bình Dương quan tâm, xây dựng những dự án quy mô có công nghệ tiên tiến, xử lý tình trạng rác thải đang rất bức xúc hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị tỉnh, Công ty Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai các điều kiện, giúp dự án phát huy tối đa công suất, vận hành hiệu quả. Trong đó, có thể xem xét phương án cổ phần Công ty để có vốn triển khai mở rộng dự án, phục vụ tốt hơn việc nhu cầu xử lý chất thải ngày càng lớn của địa phương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý một số vấn đề tài chính, cơ chế thực hiện, ưu đãi đối với dự án Nam Bình Dương nói riêng cũng như các dự án môi trường nói chung. Mục tiêu là khuyến khích cao nhất việc xã hội hóa lĩnh vực môi trường, xây dựng các mô hình xử lý chất thải hợp vệ sinh, các chính sách giá phù hợp.

Nguồn: Báo Công thương ngày 5/7/2014


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn