Khuyến khích công nghệ môi trường tiên tiến
8:29 SA,26/03/2014

Khu Liên hợp xử lý rác thải (LHXLR) Ða Phước của TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án môi trường lớn nhất nước. Ðây cũng là dự án hiếm hoi với nguồn vốn 100% nước ngoài, đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại nhất hiện nay cho lĩnh vực môi trường.
      Khu LHXLR Ða Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) do ông David Trung Dương (Việt kiều Mỹ), Giám đốc kiêm Chủ tịch HÐQT Công ty California Waste Solution (CWS) đầu tư. Dù ban đầu cam kết đầu tư 90 triệu USD, trên thực tế, CWS đã đầu tư hơn 120 triệu USD và đầu năm 2014 đã nhận giấy phép điều chỉnh vốn lên gần 150 triệu USD.
     Chỉ sau hơn ba năm hoàn thiện, khu liên hợp đạt công suất xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đã tiếp nhận và xử lý khoảng bảy triệu tấn rác, góp phần không nhỏ trong việc làm sạch môi trường cho TP Hồ Chí Minh. Ngoài các hạng mục trong cam kết đã đi vào hoạt động ổn định: Khu chôn lấp công nghệ cao, dây chuyền sản xuất phân compost (hơn bảy triệu USD), nhà máy phân loại tái chế..., nhà máy phát điện bằng khí mê-tan công suất 12 MW sẽ bắt đầu phát điện vào cuối năm 2014.
     VWS cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhiều hạng mục và xây cầu vào dự án thứ hai - Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An 1.760 ha. Dự án sẽ có hình hoa sen, trang bị công nghệ hiện đại nhất của Hoa Kỳ, xử lý cả chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp với các khu: vành đai xanh cách ly, khu tái sinh, tái chế; khu nghiên cứu công nghệ xanh; khu sản xuất điện từ khí mê-tan; khu nhà ở cho nhân viên... Chất thải sẽ theo quy trình từ các trạm trung chuyển xây dựng hiện đại trong các thành phố bằng sà-lan chuyên dụng chuyển về khu xử lý theo đường sông.
     Dự tính, khi (khu LHXLRT) đi vào hoạt động, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động địa phương, sẽ tiếp nhận tới 40 nghìn tấn rác/ngày cho cả Long An và TP Hồ Chí Minh.
     Theo nhà đầu tư, dự án môi trường mang tính xã hội cao, cần nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn chậm. Hơn nữa, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực môi trường là vô cùng hiếm hoi. Tuy nhiên hiện nay, dự án của VWS hiệu quả đầu tư thấp do chưa sử dụng hết công suất thiết kế, rất cần những biện pháp kịp thời tháo gỡ. Cho đến nay, Khu LHXLR Ða Phước vẫn chỉ được TP Hồ Chí Minh cung cấp xử lý số lượng rác nguyên liệu như khi bắt đầu hoạt động (3.000 tấn/ngày), mặc dù đã bổ sung và hoàn thiện thêm nhiều hạng mục mới. Theo thiết kế và với khả năng thực tế, khu liên hợp có thể xử lý lượng chất thải trong một vùng rộng lớn với số lượng nhiều hơn gấp hai lần hiện nay.
      Ðáng chú ý, từ đầu năm 2010, VWS đã lắp ráp hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sử dụng Nhà máy phân loại phế liệu tái chế công suất 500 tấn/ngày. Nhà máy có dây chuyền công nghệ vào loại tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay được lắp đặt theo Hợp đồng ký với UBND thành phố, phục vụ Chương trình phân loại rác tại nguồn mà thành phố đã triển khai trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, đã hơn ba năm trôi qua, dây chuyền đầu tư hơn 10 triệu USD của VWS không vận hành được do không được cung cấp nguyên liệu.
     Trong chuyến khảo sát, làm việc với VWS mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đây là một dự án công nghệ môi trường tiên tiến, rất đáng khích lệ, nhân rộng. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương sớm tìm hướng tháo gỡ, nhân rộng mô hình này. Về phía doanh nghiệp cũng cam kết tuân thủ luật pháp Việt Nam và quốc tế, sẵn sàng mở quỹ môi trường trị giá hàng triệu USD để bảo đảm. Ðồng thời, sẽ mở rộng đầu tư và sớm khởi động dự án môi trường thứ hai tại Long An.


Nguồn: "Báo NDĐT", 23/3/2014
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn