Ứng phó khẩn cấp với chủng virus mới
9:19 SA,19/02/2014

Chiều 13/2/2014, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ Công thương, Bộ Công an, đại diện Tổ chức Nông - Lương của LHQ (FAO), Y tế Thế giới (WHO)… để bàn kế hoạch đối phó với nguy cơ dịch cúm gia cầm, virus H7N9 và các chủng virus khác lây lan vào Việt Nam.
       Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong nhiều tháng qua, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và các bộ liên quan đã theo dõi sát sao về tình hình dịch cúm gia cầm nhưng thấy rằng cần có kế hoạch đồng bộ và có biện pháp kiểm soát cụ thể hơn, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đối phó với loại virus nguy hiểm này. Mặc dù hiện nay chưa phát hiện có virus H7N9 nhưng lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, không loại trừ tình huống chủng virus cực độc mới sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Còn theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện cơ quan này đã hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người.
        Theo đó, trước tình hình cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Cục Thú y đề nghị cần phải chủ động các giải pháp hành động ngay và đồng bộ. Theo ông Phạm Văn Đông, cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng có đặc thù chưa gây bệnh lâm sàng với gia cầm mà lại lây truyền sang người và có tỷ lệ tử vong cao. Phương thức tồn tại, lây truyền giống cúm A/H5N1, thường phát hiện ở những nơi tập trung gia cầm, chợ gia cầm có điều kiện quản lý yếu kém về vệ sinh, lưu giữ, khử trùng… Tại các chợ gia cầm ở Trung Quốc, tỷ lệ dương tính với cúm A/H7N9 nhiều hơn các loại khác. Nhiều mẫu phân tươi, chất thải, nước thải ở đây cũng phát hiện virus H7N9. Ngoài ra, còn phát hiện ở một lượng nhỏ chim, bồ câu cũng đang mắc dịch.
        Dẫn lại số liệu của Trung Quốc, cho thấy chủng virus H7N9 đã xuất hiện từ tháng 3-2013 và cho đến nay, đã gây ra 330 ca bệnh, có trên 70 ca đã tử vong tại nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan và còn đang lây lan tới tỉnh Quảng Tây - nơi có biên giới sát với 4 tỉnh biên giới Việt Nam, ông Phạm Văn Đông cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm qua khu vực biên giới. Cũng theo ông Phạm Văn Đông, qua theo dõi thì việc vận chuyển gà thải loại Trung Quốc từ miền Bắc của Trung Quốc xuống miền Nam cũng đã phát hiện có virus. Trong khi, hiện nay thực trạng nhập lậu gia cầm Trung Quốc vào nước ta vẫn đang nan giải và khó kiểm soát. Do đó, nếu không có cách ngăn chặn triệt để thì nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới rất cao, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.
       Còn theo đại diện của FAO tại Việt Nam đưa ra nhận định tại cuộc họp, Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao, cần thiết xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với chủng virus H7N9 nếu xuất hiện ở Việt Nam. Giải pháp mà FAO đề xuất là cần giảm thiểu ngay nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp. Đặc biệt hơn, nếu có tình trạng virus “lọt lưới” tràn vào nội địa thì việc cần làm là phải kịp thời phát hiện để bao vây dập dịch, giảm nguy cơ cho người dân.
       Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, do virus H7N9 chủ yếu xuất hiện ở Trung Quốc và gia cầm nhiễm bệnh không có biểu hiện lâm sàng nên biện pháp duy nhất vẫn là chủ động lấy mẫu kiểm tra. Ngay trước mắt, đề nghị Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ GTVT nghiêm cấm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và tổ chức kiểm soát, ngăn chặn… Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực biên giới phía Bắc. Không cho buôn bán, thu gom, giết mổ gia cầm ở vùng biên và khu kinh tế mở để hợp thức hóa gia cầm nhập lậu.
       Để triển khai chương trình giám sát, FAO cũng đang tài trợ để giám sát ở 9 tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh liên quan có tình trạng gia cầm nhập lậu. Tăng cường năng lực ngành thú y để xử lý tình huống kịp thời, cập nhật quy trình chẩn đoán kỹ thuật với virus H7N9 cũng như các virus khác. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thẩm quyền xem xét do chủ tịch UBND các địa phương quyết định. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương sẽ chủ động khảo sát, kiểm tra. Thậm chí sẽ tạm dừng nhập khẩu gia cầm sống và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.
      Bộ NN-PTNT cho biết đã cử 18 cán bộ về 9 tỉnh biên giới phía Bắc, cứ một tuần 2 lần lấy mẫu ở các chợ đầu mối để liên tục phân tích có virus H7N9 tràn vào Việt Nam hay không.

Nguồn: "SGGP online", 14/2/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn