Thách thức giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình
10:34 SA,14/12/2013

Ninh Bình đang đứng trước thách thức giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do phát triển gây ra.
     Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển nhanh theo hướng CNH-HĐH. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều khu công nghiệp – cụm công nghiệp (KCN- CCN) gây hậu quả xấu cho môi trường nói chung và sông Đáy nói riêng. Chất lượng nước sông bị suy thoái ở một số nơi, nhất là tại nhiều đoạn chảy qua đô thị, làng nghề, khu công nghiệp. Bảo vệ môi trường lưu vực sông đang đứng trước nhiều thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt, giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu với khối lượng nước thải từ các KCN-CCN, làng nghề xả vào môi trường ngày càng tăng.
     Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 nhà máy sản xuất gạch với tổng công suất 665 triệu viên/năm. Trong quá trình sản xuất mặc dù các nhà máy có ý thức bảo vệ môi trường song khói bụi vẫn chưa được kiểm soát triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Thêm nữa, bảy nhà máy sản xuất xi măng, 83 đơn vị đang khai thác khoáng sản, tại 90 điểm mỏ khai thác, trong đó 52 điểm mỏ lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, 61 điểm mỏ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Các doanh nghiệp cơ bản thực hiện được một số biện pháp giảm ô nhiễm song vẫn còn tình trạng đất đá rơi vãi trên đường, trước khi ra khỏi nơi khai thác chưa vệ sinh bánh lốp, gầm xe, còn có hiện tượng chạy quá tốc độ, chở quá trọng tải, che chắn bạt không kín gây ra bụi bặm và nhanh làm hỏng đường, khiến người dân bất bình.
     Trong khi đó, làng nghề ở Ninh Bình ngoài vai trò tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương, vẫn còn nhiều bất cập trong quy hoạch cũng như xử lý nước thải. 75 làng nghề thủ công có từ lâu đời, nhưng chưa xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường gây ô nhiễm nhất là bụi, tiếng ồn, nước thải...
     Không chỉ môi trường ở thành phố, thị xã trong tỉnh Ninh Bình bị ô nhiễm, ngay cả khu vực nông thôn vốn trước đây được coi là “sạch” thì nay cũng đang báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn Ninh Bình khoảng 182 tấn/ngày. Rác được thu gom, tập kết tại chân núi hoặc bãi rác của xã để đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên kinh phí hạn hẹp khiến mô hình thu gom rác tập trung thường chiếm tỷ lệ thấp và chưa thường xuyên.
      Điều lo ngại hiện nay là bảy Khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh trong đó ba KCN đi vào hoạt động gồm: KCN Gián Khẩu, KCN Tam Điệp giai đoạn I và KCN Khánh Phú thu hút 66 dự án đầu tư. Song hiện nay mới có KCN Khánh Phú xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I, bước đầu bảo đảm thu gom, xử lý lượng nước thải tại KCN. KCN Gián Khẩu đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. KCN Tam Điệp giai đoạn I chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, lượng nước thải từ ba KCN và thành phố Ninh Bình là khoảng 12.230 m3/ngày đêm, bảy huyện, thị khoảng 2.000 m3/ngày đêm.
         
              Đến quyết liệt bảo vệ môi trường tại địa phương

       Tỉnh Ninh Bình đã chủ động và có nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm và kiểm soát tốt chất lượng môi trường trên địa bàn nói chung và thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- Đáy. Tỉnh thành lập ban chỉ đạo chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010-2015...
       Năm 2013 tỉnh xây dựng Quy hoạch xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030. Đồng thời tăng cường quan trắc môi trường với tần suất 4 lần/năm tại các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc, các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn ra lưu vực sông Đáy. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức quy hoạch một số Khu xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, Thung Châu, xã Kỳ Phú ( Nho Quan), các dự án thoát nước mặt, chống úng lụt khu vực phía tây thị xã Tam Điệp, xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt thành phố Ninh Bình. Thực hiện kiểm soát định kỳ đối với 29 đơn vị tại huyện Nho Quan, thị xã Tam Điệp và các KCN Gián Khẩu, Khánh Phú. “Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành kiểm tra ba đơn vị sản xuất kinh doanh theo kiến nghị của cử tri trong tỉnh.” Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, Lê Khắc Khoa nói.
       Tỉnh Ninh Bình có tám cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để, bao gồm: Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Bệnh viện quân y 5, Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Cơ sở sản xuất xi măng Cầu Yên, Kho thuốc bảo vệ thực vật Ninh Bình, Công ty bia Ninh Bình, Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình. Với việc xây dựng nhiều dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đến nay, cả tám cơ sở được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường công nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường.
       Ngoài ra, các sở, ban ngành…còn coi trọng tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cho gần 200 cán bộ phụ trách công tác quản lý môi trường của Sở, Ban ngành có liên quan và các Phòng Tài nguyên và Môi trường, thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư..v.v.

Nguồn: "Báo NDĐT", 12/12/2013
     

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn