Hội nghị giao ban vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XII tại Đắk Nông
9:22 SA,18/11/2013

Trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Techmart Dak Nong 2013), sáng 15/11/2013 tại tỉnh Đắk Nông, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ (BH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Đắk Nông tổ chức “Hội nghị giao ban vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XII”, nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với UBND các tỉnh/thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong việc chỉ đạo hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng và thực hiện Chương trình hành động của Bộ KH&CN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, triển khai Luật KH&CN sửa đổi năm 2013.

           

       Chủ trì Hội nghị có ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Bốn, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông; ông Y DHăm Ênuôl, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN; Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh/thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
         Nội dung chính của Hội nghị giao ban lần này là tập trung đánh giá kết quả hoạt động KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2011-2013 phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng địa phương trong vùng; tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN (tổ chức, nhân lực, tài chính…) và thực hiện chi ngân sách cho KH&CN từ nguồn sự nghiệp khoa học và đầu tư phát triển; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN, các biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động KH&CN; triển khai một số nội dung trong Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 và phương thức tăng cường liên kết trong vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
        Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên bao gồm 12 tỉnh, thành phố, trong đó 7 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên phong phú, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo lớn, khai thác và chế biến khoáng sản, vận tải biển, dầu khí, xây dựng khu công nghiệp, sản xuất hàng hóa nông – lâm – thủy sản và du lịch…
        Trong Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động KH&CN của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2011-2013, ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông cho biết trong giai đoạn này ngành KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu KT-XH do Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, tổng hợp kết quả, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 của từng địa phương; nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp các cấp ủy Đảng, Chính quyền làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành, hoạch định chủ trương, định hướng phát triển KT-XH trên địa bàn; các tỉnh/thành phố trong vùng đã triển khai 596 đề tài, dự án (trong đó 81 đề tài, dự án cấp nhà nước) gắn kết với tình hình phát triển KT-XH của từng địa phương, nhiều tiến bộ KH&CN đã được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống; công tác thông tin KH&CN, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu mô hình KH&CN được thực hiện tích cực và đa dạng ngày càng được người dân quan tâm; các hoạt động về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý công nghệ, quản lý sở hữu trí tuệ cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của các địa phương trong vùng. 
       Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Ngọc Danh, hoạt động KH&CN trong vùng chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu phát triển của vùng trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tiềm lực KH&CN ở từng địa phương và cả vùng còn hạn chế, các tổ chức KH&CN không nhiều; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN còn thiếu; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thiếu cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực KH&CN; hệ thống quản lý KH&CN ở địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện chưa đảm bảo gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động KH&CN chung; hầu hết các doanh nghiệp trong vùng chưa thật sự quan tâm nhiều đến hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa huy động được các nguồn lực xã hội, do đó hoạt động KH&CN còn mang tính manh mún, chưa tập trung được vào các vấn đề lớn trực tiếp thúc đẩy KT-XH một cách rõ ràng, hiệu quả cao... 
       Về định hướng hoạt động KH&CN trong giai đoạn tới của các tỉnh/thành phố trong vùng, các nhiệm vụ KH&CN sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, chiến lược phát triển KH&CN từng địa phương, đặc biệt là Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị TW 6 khóa XI, cụ thể là: tiếp tục đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, phương thức đầu tư, tài chính, chính sách cán bộ phù hợp với tình hình thực tế phát triển của địa phương; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định tiến trình CNH-HĐH, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, góp phần quyết định nâng cao chất lượng tăng trưởng  và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Đẩy mạnh chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thành tựu KH&CN mới vào sản xuất; tập trung nguồn lực phát triển một số ngành công nghệ cao: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.
       Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và lãnh đạo các Sở KH&CN trong vùng đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động KH&CN ở địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách, tổ chức, quản lý KH&CN, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP (quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập), xây dựng quỹ đầu tư cho KH&CN ở địa phương, nhân lực KH&CN chuyên trách cấp huyện, luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương, liên kết vùng…
       Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chúc mừng những kết quả hoạt động KH&CN mà các tỉnh/thành phố trong vùng đã đạt được trong hai năm qua, góp phần tích cực, quan trọng vào sự phát triển KT-XH của vùng.
       Liên quan đến hoạt động KH&CN trọng tâm của vùng từ nay đến năm 2015, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị sở KH&CN các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung thực hiện: Xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Nâng cao năng lực KH&CN ở các địa phương để làm chủ công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ, các thành tựu KH&CN tiên tiến; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Tăng cường khai thác các lợi thế và điều kiện tự nhiên của vùng để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN, trong đó có hạ tầng khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hạ tầng thông tin và thống kê KH&CN; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nêu một số nhiệm vụ cụ thể mà các địa phương cần thực hiện trong các mặt hoạt động KH&CN ở địa phương, như hoạt động nghiên cứu và triển khai, phát triển tiềm lực KH&CN, các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN (tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin và thống kê KH&CN).

Nguồn: "Cục THKH&CN Quốc gia", 15/11/2013


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn