Sách Trắng 2014: Kiến nghị VN còn thiếu sự nhất quán trong thực thi khung pháp lý
4:24 CH,06/11/2013

Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam sẽ công bố ấn phẩm lần thứ 6 của “Sách Trắng 2014 - Các vấn đề Thương mại/Đầu tư và Kiến nghị” vào ngày 11/11/2013 tại Hà Nội.
     Đó là ấn phẩm thường niên đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý hiện tại của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Ấn phẩm nhằm cung cấp thông tin cho công tác hoạch định chính sách cũng như tạo nền tảng cho các cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với Chính phủ Việt Nam.
     Sách Trắng tổng hợp quan điểm của gần 800 doanh nghiệp thành viên EuroCham hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tại Việt Nam. Tương tự các ấn phẩm trước, Sách Trắng 2014 tiếp tục đề cập các vấn đề như: Nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, thuế, giao nhận và vận tải. Ấn phẩm năm nay có thêm chương về phát triển bền vững, tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên sau sự thành công của hội nghị Green-Biz 2013 vào tháng 9 vừa qua.
    Các chương cụ thể theo từng ngành bao gồm: tài chính ngân hàng, năng lượng, sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin và du lịch. Tổng thể, Sách Trắng bao gồm 8 chương về các vấn đề liên ngành và 13 chương về các vấn đề theo từng ngành.
    Sách Trắng năm nay phản ánh mong muốn của EuroCham là đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu chung như thúc đẩy và tăng cường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân Việt Nam và ban hành những thay đổi tích cực về mặt xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cũng đã xác định các vấn đề trọng yếu trong hoạt động kinh doanh, kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên giải quyết. Các doanh nghiệp cũng đưa ra những lợi ích và trở ngại tiềm tàng mà các thách thức này đặt ra cho Việt Nam và đề xuất những kiến nghị giúp giải quyết hoặc cải thiện tình hình hiện tại. 

     Thiếu sự nhất quán trong quá trình thực thi khung pháp lý:
         Xuyên suốt ấn phẩm, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao mối quan hệ và sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ với EuroCham. Các doanh nghiệp ghi nhận rằng các cơ quan chức năng đã bắt đầu triển khai một vài thay đổi tích cực trong các lĩnh vực như ưu đãi thuế, nhân lực (thông qua Bộ Luật lao động mới), và du lịch có trách nhiệm. Việc bãi bỏ Thông báo 197 liên quan đến các yêu cầu nhập khẩu và việc thông qua Luật Giá được xem là những bước đi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số quan ngại sâu sắc, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.
       Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund nhấn mạnh: “Mặc dù một số ngành đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhưng thách thức chính vẫn xoay quanh việc thực hiện các quy định này. Vấn đề này phần lớn là do sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật và việc chính quyền địa phương các cấp có cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật khác nhau…”. Điều này được các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận cụ thể như việc tạo những cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường. Ví như, Nghị định 102/2010/NĐ-CP, ngày 1 tháng 10 năm 2010, quy định rõ doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ có thể hưởng các điều kiện đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cho rằng không có một sự nhất quán trong việc diễn giải và áp dụng luật ở các cơ quan cấp giấy phép đầu tư tại địa phương, một số cơ quan còn cho rằng công ty Việt Nam trở thành công ty có vốn sở hữu nước ngoài bất kể tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài là bao nhiêu.
       Tương tự, các tiểu ban ngành nghề của EuroCham nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và có sự phối hợp thông qua việc khởi tố kiên quyết hơn các hành vi vi phạm. Vì việc thiếu một cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ mạnh có tác động đến phần lớn các ngành như dược phẩm và kinh doanh nông nghiệp.Những quan ngại và kiến nghị chính khác đề cập đến việc giáo dục và đào tạo, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và định giá công bằng.

          Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh trong khu vực:
      Chủ tịch của EuroCham, Preben Hjortlund ghi nhận: “Sách Trắng là ấn phẩm quan trọng của EuroCham, hướng đến mục đích đưa ra cho Chính phủ Việt Nam một cái nhìn khái quát rõ ràng hơn về tác động của nhiều vấn đề khác nhau đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, cũng như nếu được giải quyết các vấn đề này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, trên các phương diện gia tăng nguồn vốn FDI, việc làm, nguồn thu thuế và tạo ra những sản phẩm tốt hơn và an toàn hơn cho người dân Việt Nam. EuroCham sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm bàn tròn với các đại diện cấp cao của các Bộ và các cơ quan liên quan để trình bày các kiến nghị trong Sách Trắng và trong vài tháng tới… Ngoài ra, EuroCham sẽ trao cuốn Sách Trắng 2014 tới Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Antonio Tajani, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 năm 2013”.
      Giám đốc Điều hành của EuroCham, Csaba Bundik nhận định: “Việt Nam đang tham gia vào một số các cuộc đàm phán, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và hướng đến hội nhập kinh tế ASEAN vào năm 2015. Trong bối cảnh bày, chúng tôi nhận thấy rằng những kiến nghị được đề cập trong Sách Trắng sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt được kỳ vọng trở thành một quốc gia mạnh trong khu vực”.


Nguồn: "HNM online", 5/11/2013

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn