Làm gì để vượt qua sự hủy diệt của thiên nhiên?
9:05 SA,24/10/2013

Khúc ruột miền Trung nắng gió, luôn phải đối mặt với khó khăn, nghèo đói một lần nữa tang thương trong bão lũ. Gió lốc đập tan những mái nhà, xé nát những vườn cây, nước ào ạt đổ về cuốn phăng tất cả..., nhiều nơi trên đất Hà Tĩnh, Quảng Bình tan hoang trong tiếng kêu xé ruột, trong mất mát, đau thương…
      Để vượt qua sự hủy diệt của thiên nhiên, con người Việt Nam hiện đại cần một hệ chuẩn mới về giá trị. Trong đó, sống hài hòa với thiên nhiên cần được coi là một giá trị văn hóa. Đây cũng là sự kế thừa truyền thống của người Việt tự ngàn xưa. Sống tựa vào thiên nhiên, trân trọng và cảm khái trước sức mạnh, sự hào phóng của thiên nhiên: Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm..., ông cha xưa cầu cho "mưa thuận gió hòa", được thiên nhiên ưu đãi để mùa vàng bội thu. Khi xây dựng nền văn hóa của riêng mình, người Việt đã chọn cách thức hòa hợp với thiên nhiên hơn. Tiến trình di cư, định cư, hình thành cộng đồng làng xã của người Việt cũng là một quá trình thích nghi với điều kiện môi trường, đặc biệt là môi trường sông nước. Con người đến với mỗi vùng đất mới, trước hết là nhìn thiên nhiên để hiểu và tìm ra lối sống phù hợp với thiên nhiên. Các loại hình cư trú của người Việt qua nhiều thế hệ là hệ quả của việc thích ứng với điều kiện địa lý và tự thân nó đã góp phần định hình những đặc điểm văn hóa, ứng xử của người dân đối với cộng đồng và thiên nhiên. 
     Cách nhìn truyền thống gắn với nền văn minh lúa nước và những con sông đã dần trở nên lỗi thời trước sự phát triển của xã hội công nghiệp. Dân số đông đúc tới mức thậm chí không thể kiểm soát, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của lối sống hiện đại, đã buộc con người phải lạm dụng sự hào phóng của thiên nhiên. Lòng tham và sự thiếu hiểu biết đã đẩy nhanh tốc độ hủy hoại thiên nhiên. Khi núi rừng bị đẩy lùi không thương tiếc, biển bị khai thác quá mức với những "thủ thuật diệt chủng", khi công nghiệp phát triển xô bồ đến vô tội vạ cũng là lúc nguồn sống từ tự nhiên cạn kiệt, khái niệm rừng vàng biển bạc phải nhường chỗ cho những giá trị khác là sản phẩm của trí tuệ con người. Những "người bạn" thiên nhiên thầm lặng, vĩnh viễn ra đi cùng khát vọng chinh phục, chế ngự thiên nhiên của con người, chỉ có những cơn thịnh nộ của thiên nhiên là quay trở lại. Khi trí tuệ không ngăn nổi những cơn hồng thủy có sức tàn phá khủng khiếp hơn bất cứ sức mạnh nào mà con người có thể tạo ra, lúc đó họ mới nghĩ về bà mẹ thiên nhiên, những người bạn thiên nhiên thì đã quá muộn.
      Nhiều dòng suối cạn đến trơ đáy, Tây Nguyên hạn hán khắp nơi, bão lũ bất thường dội xuống miền Trung, lốc xoáy, lũ quét tàn phá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. TP Hồ Chí Minh, Bình Dương bất ngờ ngập lụt, trong khi người dân vựa lúa, vựa cá Đồng bằng sông Cửu Long khắc khoải chờ lũ như một đặc ân mà tạo hóa nhẫn nhịn ban phát và thậm chí, có lúc Thủ đô Hà Nội "phố cũng như sông"... Thảm họa thiên nhiên không còn là lời cảnh báo, không còn là những cột mốc thập kỷ như người ta hình dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khí hậu. Trong khi các cơ quan chức năng mải miết với những kế hoạch, kịch bản ứng phó, thảm họa thiên nhiên đã ầm ầm "gõ cửa" từng nhà với cách thức và mức độ khác nhau. Đau thương đã ập xuống, người dân nhiều vùng đã và đang phải vật lộn từng phút từng giờ để chống chọi với thảm họa bất ngờ trong bàng hoàng và mất mát. Nhưng cơ sự sẽ không dừng lại ở đó, cường độ và tần suất bão lũ mỗi năm một mạnh hơn, mau hơn và mức độ tàn phá ngày càng khủng khiếp hơn. Thiên nhiên sẽ tiếp tục gieo thảm họa cho dải đất hình chữ S.
      Người xưa nói "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" nhưng cơn thịnh nộ của thiên nhiên không đợi bất cứ ai. Thảm họa đã trực tiếp giáng xuống những con người đang trực tiếp hủy hoại thiên nhiên và cả cộng đồng với mức độ thiệt hại không thể đo đếm. Không thể mãi đổ lỗi cho đời sống bức xúc, lợi nhuận hấp dẫn hay sự quản lý lỏng lẻo, luật pháp chưa nghiêm, một số cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho việc tàn phá thiên nhiên..., đã đến lúc phải biện truy rõ ngọn nguồn những giải pháp quyết liệt và hơn hết là xây dựng một cung cách quản lý, một lối ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa trong mỗi con người đối với tự nhiên. Đây chính là điều kiện cần để tránh sự hủy diệt của thiên nhiên.

Nguồn: "SGGP online", 21/10/2013

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn