Đại tướng Võ Nguyên Giáp: những tư duy trí tuệ trong thời bình
9:17 CH,06/10/2013
Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm từ năm 1945 để nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học – kĩ thuật. Bao nhiêu năm cầm quân đánh giặc, liệu nền tảng trí thức trong ông có bị phai nhạt ít nhiều? Tư duy ấy có bị chuyện thắng thua chi phối mà quên mất chiến thắng chỉ có ý nghĩa khi xây dựng được những nền tảng tiến bộ cho đời sống nhân dân?
        Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế.
        Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển…
       Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.
       Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm 24 nhà khoa học- trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh Phó giáo sư, giáo sư... đã được bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.
        Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.


Nguồn: "Tiền Phong online", 5/10/2013

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn