Hiện trạng cơ giới hóa sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL
10:00 SA,25/08/2013

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.

     Hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và 65/2011QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch lúa. Hiện 10.000 máy gặt đập liên hợp đáp ứng nhu cầu gần 50% diện tích sản xuất lúa, tỷ lệ thất thoát được kéo giảm từ 5% - 6% xuống còn 2% - 3%, chi phí thu hoạch lúa giảm từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công... Tuy nhiên, hiện nay thất thoát sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn, từ 12% - 14%. “Các nước sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới tổn thất khoảng 3,9% - 6%. Cơ giới hóa là điều kiện bắt buộc phải đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, đang đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6% - 8%, nếu thực hiện được sẽ là thành công rất lớn. Phấn đấu đến năm 2015, có 80% diện tích lúa ở ĐBSCL thu hoạch bằng máy, đòi hỏi thời điểm đó phải có 12.500 máy gặt đập liên hợp” - Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.
      Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản. Tuy nhiên, quy định này chỉ hỗ trợ (vốn vay và lãi suất) đối với máy thu hoạch lúa có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên. Trong khi hầu hết các máy gặt đập liên hợp đạt giải cao, được nông dân ưa chuộng tại các hội thi do Bộ NN-PTNT tổ chức đều có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. 2 bộ phận quan trọng của máy gặt đập liên hợp là động cơ và hộp số đều phải nhập. Do vậy, máy lắp ráp trong nước cũng khó có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Mặt khác, dù giá rẻ nhưng đa phần người dân không thích máy nội địa vì hay bị sự cố, chất lượng lúa thu hoạch không cao. Còn các loại máy gặt đập liên hợp ngoại nhập tuy đáp ứng tính năng kỹ thuật tốt nhưng giá khá cao (từ 220 triệu đến gần 600 triệu đồng/máy). Vì thế, nếu không có hỗ trợ vốn vay và lãi suất từ thì đa phần nông dân không có khả năng đầu tư.
     Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 2 quyết định (63/2010/QĐ-TTg và 65/2011QĐ-TTg) theo hướng hỗ trợ nông dân đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được, nhưng có hiệu quả hơn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy kéo, công suất lớn và các thiết bị bảo quản sau thu hoạch…

Nguồn: "SGGP online", 27/8/2013


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn