Đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở Sóc Sơn: Định hình cách làm sáng tạo
9:07 SA,08/07/2013

Với cách triển khai thực hiện bài bản, sáng tạo, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở Sóc Sơn đã đạt kết quả cao.

      Sau DĐĐT, nông dân đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó mô hình máy cấy mạ khay vụ xuân 2013 được coi là điểm nhấn, cho hiệu quả cao. Mô hình đã thực sự góp phần đưa nông nghiệp Sóc Sơn chuyển biến về chất, tạo ra diện mạo mới cho vùng đồi gò khó khăn này. 
        Với gia đình có 1 mẫu ruộng, trước đây manh mún, làm nhanh phải mất cả tuần. Từ khi tham gia vào mô hình của xã, chỉ trong 30 phút, cả mẫu ruộng đã được cấy xong. Đến khi thu hoạch, sử dụng máy gặt đập liên hoàn, giá chỉ bằng 60-70% so với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống. 
        Khi xã triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ, được hỗ trợ vay không lãi suất trong vòng 3 năm để mua máy cấy, chi phí giảm còn khoảng 70.000 đồng/sào trong khi thuê cấy thủ công là 200.000 đồng/sào. 
       Từ thành công của mô hình điểm đưa cơ giới hóa vào sản xuất vụ xuân vừa qua tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn đã nhân rộng mô hình ra các xã khác. Sau khi DĐĐT, mỗi hộ dân xã Tân Hưng chỉ còn 1-2 thửa ruộng, thửa lớn nhất gần 1ha; các thửa ruộng đều tiếp giáp giao thông, thủy lợi, khiến nhân dân phấn khởi, yên tâm đầu tư, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện toàn xã có 81 máy cày các loại, 25 máy tuốt và 2 máy gặt liên hoàn. Năng suất lúa của xã đã đạt 61 tạ/ha trong khi bình quân toàn huyện chỉ đạt 53 tạ/ha. Các chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, ngày công lao động cũng giảm tới 40-50%.
       Có thể thấy mô hình mạ khay máy cấy tại huyện Sóc Sơn có nhiều điểm sáng tạo so với các địa phương. Để các mô hình trình diễn thành công, huyện đã dành 6 tỷ đồng hỗ trợ 100% kinh phí mua máy cấy và dụng cụ đi kèm, 100% kinh phí tập huấn và 50% kinh phí tổ chức triển khai mô hình nên các địa phương triển khai khá nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn cấp ngân sách cho Hội Nông dân 2 tỷ đồng để tín chấp cho nông dân vay và hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời hạn 3 năm, khiến nông dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất.
       Đến nay, ngoài 11 máy cấy và dụng cụ đi kèm được huyện hỗ trợ, đã có 32 hồ sơ của các hộ, HTX, tổ hợp sản xuất đăng ký vay tín chấp mua máy cấy.
       Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Minh cho biết: Sau khi mô hình điểm tại xã Tân Hưng cho kết quả cao, huyện đã quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng ban tập trung triển khai mô hình máy cấy mạ khay ở 11 xã trên địa bàn, quy mô mỗi xã 5-10 ha. Riêng xã Tân Hưng, từ một mô hình điểm, vụ mùa 2013 đã tăng lên 5 mô hình ở 5 thôn. Từ đó, đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng giống lúa, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa. Đây cũng là điểm khởi đầu thành công trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND huyện về hỗ trợ đưa máy cấy vào sản xuất nông nghiệp. 
        Kinh nghiệm đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đặc biệt mô hình máy cấy mạ khay, là cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, thôn phải vào cuộc quyết liệt, sâu sát và nhất quán. Trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Sóc Sơn đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lòng dân để tạo sự đồng thuận, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần xây dựng nông nghiệp Sóc Sơn phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Nguồn: "HNM online", 8/7/2013

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn