Ngày 12/5/2013: Rra quân chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh 2013
10:01 SA,10/05/2013
Hơn 2.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia chiến dịch tiêu dùng xanh rải đều 8 dự án. Điều này cho thấy sức hút của chương trình môi trường nói chung và Chiến dịch tiêu dùng xanh nói riêng rất lớn, nhất là đối với giới trẻ - người tiêu dùng tương lai. Và ngày 12-5 lễ ra quân chiến dịch Tiêu dùng xanh sẽ chính thức được khởi động.

8 dự án và 2.000 tình nguyện viên tham gia

Đại diện Ban tổ chức chiến dịch cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, dự án cũng như số lượng tình nguyện viên tham gia cho các dự án đã chính thức được xác định. Theo đó, 8 dự án được chọn thực hiện bao gồm: Dự án Người tiêu dùng tương lai; Dự án Ngày Cộng đồng sống xanh; Dự án Kết nối xanh giữa doanh nghiệp và thế hệ xanh; Dự án Khu phố thân thiện môi trường; Dự án Tiếp sức cùng người tiêu dùng xanh; Dự án cuộc thi Thương hiệu Doanh nghiệp xanh – Sản phẩm xanh được cộng đồng yêu thích nhất; Dự án Tôi yêu sản phẩm xanh; Dự án Vũ điệu hành động xanh và cuối dùng, đêm sự kiện chính phát động chiến dịch là thời khắc quan trọng để cộng đồng cùng chung tay kêu gọi, đồng thời thể hiện hành động sống thân thiện với môi trường và hướng tới tiêu dùng xanh. Theo đó, mỗi dự án sẽ có những cách hoạt động tuyên truyền khác nhau, phụ thuộc vào sự sáng tạo của các tình nguyện viên. Chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2013 cũng đã chọn dự án trọng tâm là dự án Tôi yêu sản phẩm xanh. Mục đích của dự án này sẽ thực hiện hoạt động thu đổi vỏ hộp sữa để tái chế thành tấm lợp sinh thái và thùng rác sinh thái. Với tấm lợp sinh thái, ban tổ chức sẽ phối hợp với UBND huyện Hóc Môn tiến hành thay mới mái tôn đã cũ nát cho trường tiểu học Nhị Xuân. Còn với thùng rác sinh thái, ban tổ chức đã phối hợp cùng với Khu quản lý giao thông đô thị 1 để thực hiện lắp đặt 400 thùng cho các công viên 23-9, Tao Đàn và Lê Văn Tám. Việc sử dụng sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa vào những công trình cụ thể trên sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn lợi ích làm từ chất thải. Cụ thể là chất thải, không phải là thứ bỏ đi mà hoàn toàn có thể tái chế lại thành những sản phẩm có lợi và có giá trị sử dụng thực tế trong cuộc sống.

Tiêu dùng xanh đang ngày càng trở nên quen thuộc

Trong lễ ra quân ngày 12-5 sẽ có mặt những đại biểu như TS Lê Văn Khoa, Đại sứ chính Chiến dịch ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng… TS Lê Văn Khoa đã khẳng định, trong những năm gần đây tại nước ta, thuật ngữ “tiêu dùng xanh” đã xuất hiện cùng với một số ít các sản phẩm xanh (như bao bì tự hủy thân thiện môi trường, bóng đèn tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm tái chế,…). Các lợi ích: Một là đề xướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh không bị ô nhiễm hoặc có lợi đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng; Hai là chú trọng xử lý chất thải trong quá trình tiêu dùng; Ba là hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi quan niệm tiêu dùng, bảo vệ thiên nhiên, lối sống lành mạnh, trong khi theo đuổi cuộc sống thoải mái dễ chịu, chú trọng bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Mở rộng hơn, điều đó sẽ thúc đẩy ngành sản xuất thân thiện môi trường, kích thích sự phát triển và thương mại hóa các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có mức tiêu thụ carbon thấp, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững hơn. Và đặc biệt là thông qua các hành vi tiêu dùng xanh sẽ giúp nâng cao nhận thức BVMT chung, cộng đồng sẽ ý thức hơn, và sẽ thực hiện các hành vi BVMT thường xuyên và quy mô hơn.  Nhìn xa, hoạt động tiêu dùng xanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng ta và các thế hệ sau, trong khi giảm thiểu những tác hại về mặt môi trường có liên quan.

Việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam, theo tôi, chúng ta đang dứng trước một thuận lợi lớn về thể chế và chính sách, đó là chúng ta đã có các Chiến lược quốc gia bao hàm nội dung “tiêu dùng xanh” như: Ngày 5-9-2012, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có định hướng “Nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, trợ giá các sản phẩm tái chế; Hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện môi trường” và vạch ra giải pháp “Tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, carbon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường” và “Nhà nước thực thi chính sách trợ giá, khuyến khích người dân tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, các sản phẩm tái chế nhằm hỗ trợ ngành kinh tế môi trường phát triển”. Và tiếp theo đó, ngày 25-9-2012, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam, trong đó: Nhiệm vụ chiến lược thứ ba là Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững theo đó sẽ kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Và trong 17 giải pháp thực hiện, có Giải pháp 8: Có chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học – công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh/sinh thái; và giải pháp 13: Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Theo tôi, để xu hướng tiêu dùng xanh phát triển và đi vào thực tế, chúng ta phải có các văn bản pháp lý và các chương trình hành động cụ thể hóa và chi tiết hóa các nội dung trong 2 chiến lược trên. Đồng thời đẩy mạnh các nghiên cứu về xây dựng các mô hình tiêu dùng bền vững trong nước. Phát huy tài lực và tính tích cực của các thành phần trong cộng đồng trong việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam (như Báo SGGP và COOP-Mart đã làm).
     Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường cũng đã khẳng định, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong ba chiến lược (giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất thông qua việc thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch”) trọng tâm để đạt tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn