AI phát hiện thêm nhiều đường vẽ Nazca ẩn trong sa mạc Peru
9:34 SA,27/06/2023

Theo trang IFLScience, một nhóm nghiên cứu tại Công ty IBM Nhật Bản và Đại học Yamagata (Nhật Bản) đã sử dụng các thuật toán học sâu, để quét qua một số lượng lớn các bức ảnh chụp từ trên không các phần của sa mạc Nazca.


Sa mạc Nazca nằm ven biển ở miền nam Peru, nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa được khắc sâu vào lòng đất.

Các hình vẽ ở đây gồm có con người, cá, chim, bọ, thằn lằn, chó, mèo, khỉ, cây và hoa. Một số hình ảnh siêu nhiên hơn, bao gồm quái vật hai mặt hình người và rắn hai đầu khổng lồ ăn thịt người.


Sử dụng kỹ thuật học sâu, các nhà khoa học tuyên bố họ có thể phát hiện các hình vẽ tiềm ẩn nhanh hơn khoảng 21 lần so với chỉ dùng mắt thường.


Mô hình thực hiện các kỹ thuật mới này bằng cách phân tích nhanh các ngân hàng dữ liệu trực quan khổng lồ và máy học cách hiểu những đặc điểm nào được liên kết tương ứng với các đường vẽ địa lý của sa mạc Nazca.

Đại học Yamagata giải thích về nghiên cứu mới: Học sâu là một phương pháp học máy nhằm xây dựng và huấn luyện các mạng thần kinh.


Máy tính được học các tính năng từ một lượng lớn dữ liệu, sau đó đưa ra dự đoán hoặc quyết định. Nó thể hiện hiệu suất cao trong các tác vụ như nhận dạng hình ảnh, xử lý giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.


Thông qua học sâu, máy sẽ tự động xác định các đối tượng cụ thể từ hình ảnh và vị trí, kích thước và phân loại của chúng, Đại học Yamagata cho biết thêm.


Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng không biết tại sao các đường vẽ Nazca được tạo ra. Các giả thuyết được đưa ra, chẳng hạn là điểm đánh dấu du lịch, hay có ý nghĩa thiên văn hoặc đơn giản đó là tác phẩm nghệ thuật dành cho các vị thần trên thiên đàng.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science.

Nguồn: TTXVN







Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn