Tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới phóng thất bại
10:56 SA,24/03/2023

Tên lửa Terran 1 của công ty Mỹ Relativity Space cất cánh tại Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral, Florida, lúc 7h25 ngày 23/3 (giờ Hà Nội).
Nhiệm vụ đầu tiên của Terran 1 mang tên "Good Luck, Have Fun" (GLHF). Tên lửa ban đầu hoạt động tốt. Nó đã vượt qua Max Q, khoảng thời gian tên lửa đạt áp suất động tối đa trong quá trình phóng, tầng thứ nhất và thứ hai cũng chia tách thành công. Tuy nhiên, khoảng 3 phút sau khi phóng, sự cố xảy ra và tầng trên không thể lên tới quỹ đạo như kế hoạch. "Chưa ai từng thử phóng tên lửa in 3D lên quỹ đạo. Dù chưa hoàn thành nhiệm vụ hôm nay, chúng tôi đã thu thập đủ dữ liệu để chứng minh rằng việc phóng tên lửa in 3D là khả thi. Chúng tôi vừa đạt một bước quan trọng trong việc chứng minh với thế giới rằng tên lửa in 3D khả thi về mặt cấu trúc", chuyên gia Arwa Tizani Kelly tại Relativity Space cho biết. Relativity Space thành lập vào năm 2016 với mục tiêu phóng hàng hóa tương đối nhỏ bằng Terran 1, tên lửa hai tầng không thể tái sử dụng. Tên lửa cao 33 m, có khả năng chở 1.250 kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO). Relativity Space đang bán mỗi chuyến phóng Terran 1 ở mức giá 12 triệu USD. Tuy nhiên, trong nhiệm vụ GLHF, tên lửa không mang hàng hóa thật mà chỉ chở một chiếc nhẫn in 3D dùng làm vật lưu niệm. Tên lửa đầu tiên này có 85% cấu trúc (tính theo khối lượng) được in 3D, bao gồm 9 động cơ Aeon-1 tầng thứ nhất. Công ty đặt mục tiêu nâng con số đó lên khoảng 95% với các phương tiện phóng trong tương lai.
Ngoài Terran 1, Relativity Space cũng đang phát triển mẫu tên lửa lớn hơn, có thể tái sử dụng, mang tên Terran R. Tên lửa này cũng được chế tạo bằng công nghệ in 3D, cao 66 m với sức chở 20.000 kg lên quỹ đạo bằng động cơ Aeon-R, dự kiến hoạt động năm 2024. Với GLHF, ngoài mục tiêu phóng tên lửa in 3D đầu tiên, Relativity Space còn đặt mục tiêu phóng tên lửa đầu tiên sử dụng hỗn hợp nhiên liệu methane lỏng và oxy lỏng (methalox) lên quỹ đạo. Hỗn hợp methalox được những người đam mê thám hiểm sao Hỏa ưa chuộng, vì cả methane lẫn oxy đều có thể khai thác tại chỗ trên hành tinh đỏ. Ví dụ, phương tiện phóng khổng lồ mang tên Starship của SpaceX cũng là một dạng tên lửa methalox.
Nguồn: vnexpress.net
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn