Nghiên cứu chế tạo phân bón nano nhả chậm thân thiện với môi trường và ứng dụng trong canh tác cây ngắn ngày
4:42 CH,01/12/2022

Tiến sỹ Nguyễn Minh Việt, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các cộng sự đã tổng hợp thành công vật liệu than sinh học từ cơ sở vỏ trấu và lõi ngô ban đầu. Vật liệu than sinh học và phân bón nhả chậm có bề mặt xốp và diện tích bề mặt riêng tương đối lớn (khoảng 40 - 68 m2 /g). Sau đó, vật liệu than sinh học được sử dụng để tổng hợp các loại phân bón nhả chậm và phân bón nhả chậm bọc polymer. Các loại vật liệu phân bón nhả chậm này đều có diện tích bề mặt riêng lớn, có khả năng lưu giữ tốt các chất dinh dưỡng cho cây trồng (36 – 57 m2 /g). Tổng hàm lượng của các nguyên tố N, P, K, Si, Ca và Mg trong cả 2 loại phân bón nhả chậm từ vỏ trấu và lõi ngô đều > 26%. Đề tài đã nghiên cứu quá trình nhả thải các nguyên tố đa lượng và vi lượng của các mẫu phân bón thử nghiệm. Sau 15 ngày, tổng hàm lượng nhả thải của các nguyên tố N, P, K, Ca, Si ở tất cả các mẫu thử nghiệm đều < 15%. Sau 60 ngày, quá trình nhả thải vẫn tiếp tục diễn ra, hàm lượng nhả thải của các nguyên tố N, P, K đều đạt mức 50 – 60%. Kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng, các mẫu phân bón nhả chậm, phân bón bọc polymer cho sản lượng lạc cao hơn 8,7 – 17,4 % và 10 – 16 % khối lượng 100 hạt so với các loại phân bón thông thường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng phát thải khí nhà kính cũng giảm mạnh khi sử dụng các loại phân bón nhả chậm tổng hợp được (giảm 6,3 – 18,5% lượng phát thải khí CH4; 2 - 11% lượng N2O và CO2 quy đổi).

Kết quả nghiên cứu đã mở ra một hướng đi mới trong việc ứng dụng các loại phân bón nhả chậm, phân bón bọc polymer để trong nông nghiệp xanh và giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18338/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn