Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) tại thành phố Cần Thơ
8:35 SA,01/12/2022

Lươn là loại thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng và trước đây chủ yếu là đánh bắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa và thay đổi mùa vụ canh tác đã làm nguồn lợi lươn đồng tự nhiên suy giảm. Mặt khác, lươn giống thu gom từ khai thác thường không khỏe và tỉ lệ chết cao do ảnh hưởng của phương thức đánh bắt (có sử dụng thuốc, hay kích điện). Nhiều nghiên cứu sản xuất giống lươn nhân tạo được thực hiện, từ việc kích thích sinh sản nhân tạo bằng HCG hay LH-RHa kết hợp với DOM (domperidon); kết hợp kích thích tố HCG với tạo dòng chảy; hay mô phỏng điều kiện sinh thái phù hợp cho tập tính sinh sản của lươn. Trong đó mô phỏng điều kiện sinh thái kích thích sinh sản có hiệu quả cao và phù hợp cho sản xuất lươn giống với số lượng lớn.

Để xây dựng các mô hình nuôi lươn hiệu quả, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi vẫn duy trì chất lượng môi trường và bảo vệ được các nguồn tài nguyên tự nhiên, xu hướng hiện nay là đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp (kỹ thuật và sinh học) tự làm sạch và tái sử dụng nước. Chính vì vậy, PGS.TS. Phạm Thanh Liêm và các cộng sự tại Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) tại thành phố Cần Thơ” nhằm xây dựng và quảng bá mô hình ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước nuôi thâm canh lươn đồng đạt năng suất và chất lượng cao.

Kết quả dự án là:

+ Đã xác định được mật độ phù hợp để ương lươn giống cỡ 2- 3 g lên cỡ giống 30 g trong RAS là từ 2.000-2.500 con/m3 (400-500 con/m2 với mức nước 20 cm), tỉ lệ sống đạt từ 70% trở lên. Mật độ phù hợp khi nuôi lươn trong RAS là 400-600 con/m3 (200-300 con/m2 với mức nước 0,5 m), trong khoảng mật độ này tăng trưởng, tỉ lệ sống và FCR không khác biệt, tỉ lệ sống đạt trên 70%. Kết quả thực nghiệm nuôi lươn trong RAS với cỡ lươn 30 g/con, mật độ nuôi 200 con/m2 làm cơ sở cho xây dựng quy trình nuôi cho thấy lươn đạt cỡ 160-185 g sau 8 tháng nuôi (tăng trưởng từ 0,53-0,61 g/ngày), tỉ lệ sống 88,0-90,7% và FCR dao động từ 1,48 đến 1,57. Năng suất đạt 20,3-25,7 kg/m2. Lượng nước sử dụng sản xuất giảm 16,8-20 lần so với quy trình nuôi thay nước và hiệu suất lợi nhuận đạt 40,5-53,2% sau khi khấu trừ chi phí xây dựng hệ thống.

+ Đã xây dựng được quy trình nuôi lươn trong RAS đạt năng suất 25-30 kg/m2, lươn đạt cỡ 150 g sau 6 tháng nuôi từ lươn giống cỡ 30 g. Kết quả vận hành 2 mô hình nuôi theo quy trình với mật độ 200 và 300 con/m2 cho kết quả về năng suất, tỉ lệ sống lần lượt là 25,5 và 41,9 kg/m2 ; 78,5 và 82,9%.

+ Hiệu suất lợi nhuận tương ứng đạt 38,1 và 59,8% sau khi khấu trừ chi phí xây dựng hệ thống. Kết quả này đã được tập huấn, chuyển giao cho các hộ nuôi lươn và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị liên quan ở TP. Cần Thơ.

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số: CTO-2022-01) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn