Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
8:34 SA,01/12/2022

Vật liệu polymer phân hủy sinh học ra đời từ những năm 70 bởi đặc tính dễ phân hủy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nó có thể ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau như sản xuất bao bì, túi đựng, màng mỏng che phủ đất, vật dụng khuôn đúc, bầu ươm cây giống…

Chính vì lý do đó, ThS. Bùi Văn Tú, Trường Đại học Sao Đỏ cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương” nhằm sản xuất màng phủ sinh học tự phân hủy trong môi trường đất từ các vật liệu sẵn có, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm, tận dụng được nguồn phế phụ phẩm đa dạng, giúp các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phối hợp chitosan, tinh bột, cellulose để chế tạo màng sinh học tự phân hủy (MSHTPH), ứng dụng trong sản xuất rau màu; Sản xuất, ứng dụng được bột hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để chế tạo màng phủ sinh học tự phân hủy và xây dựng được mô hình sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phù hợp với đối tượng rau màu.

Việc sản xuất thành công màng phủ luống nông nghiệp tự phân hủy sẽ là cơ sở cho việc sản xuất các sản phẩm bao bì khác như túi xách, màng bao gói thực phẩm, chậu cây, chậu hom,…góp phần to lớn vào kinh tế - xã hội – môi trường và có thể áp dụng cho các hộ gia đình, các hợp tác xã canh tác rau màu trên địa bàn tỉnh Hải Dương và vùng lân cận.

Giá trị về mặt khoa học và công nghệ mà đề tài mang lại đó là:

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý, hòa tan chitosan từ phế phụ phẩm ngành thủy sản. Chủ động trong việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật như độ deacetyl, độ nhớt, độ hòa tan, hàm lượng khoáng.

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý bột hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp: rơm, bã mía, trấu, vỏ lạc. Chủ động trong việc xử lý cơ học với mẫu, xử lý bằng NaOH (nhiệt độ, áp suất, nồng độ NaOH), nghiền và lọc, bảo quản mẫu.

+ Hoàn thiện quy trình tạo màng phủ sinh học tự phân hủy với đầy đủ các thông số kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Làm rõ khả năng liên kết giữa nhựa tổng hợp với các polymer tự nhiên (chitosan, tinh bột, cellulose), đồng thời xác định cấu trúc thông qua các chỉ số khi các polymer tích điện (+) liên kết với các polymer tích điện (-) với sự có mặt của các chất phụ gia.

- Công trình nghiên cứu này đã góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội và môi trường như:

 + Màng phủ luống có khả năng tự phân hủy dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, vi sinh vật có trong đất, nước, không khí, hạn chế ô nhiễm môi trường (màng phủ từ PE có thời gian tiêu hủy lên đến hàng trăm năm, khí đốt chứa nhiều chất độc gây ô nhiễm môi trường không khí).

+ Màng phủ luống giúp tận dụng nguồn phế liệu vỏ giáp xác rất lớn, giá rẻ thậm chí gây ô nhiễm môi trường của ngành chế biến thủy sản (đồng thời có khả năng tận dụng nguồn cellulose từ rơm, rạ, bã mía, vỏ lạc,…vốn ít giá trị kinh tế.

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số: 03HD.2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn