Nghiên cứu thu hồi và tách đất hiếm từ mỏ Nam Đề gi để sản xuất phân bón vi lượng
10:26 SA,28/11/2022
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, các nguyên tố đất hiếm (NTĐH) có nhiều ứng dụng quan trọng trong đời sống và sản xuất, mà đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao. Chẳng hạn đối với các lĩnh vực xúc tác, sản xuất vật liệu từ và linh kiện điện tử, vật liệu gốm và thủy tinh cao cấp, vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao, vật liệu phát quang... các NTĐH đóng vai trò then chốt. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đất hiếm đã được nghiên cứu và chứng minh nó có vai trò quan trọng trong việc làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, tăng hiệu quả của sản xuất. Những kết quả nghiên cứu từ trước đến nay đã làm rõ vai trò đất hiếm đến sinh lý của cây trồng. Đất hiếm ảnh hưởng đến bộ rễ, hệ thống lá, quá trình nảy mầm và phát triển chồi. Chúng thúc đẩy các quá trình phát triển của cây, tăng hàm lượng chất diệp lục, tăng quá trình quang hóa, tăng sự hấp thụ các chất dinh dưỡng vi lượng và vĩ lượng cũng như khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi của môi trường. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn tốt như vậy, PGS, TS Cao Văn Hoàng cùng các cộng sự thuộc Trường Đại học Quy Nhơn đã nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu thu hồi và tách đất hiếm từ mỏ Nam Đề Gi để sản xuất phân bón vi lượng”, với những kết quả đạt được cụ thể như sau:
·    Đã thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị phá mẫu quặng monazit công suất 100 kg/mẻ với các thông số kỹ thuật tối ưu gồm: Thời gian phá mẫu tối ưu: 6 giờ; Nhiệt độ tối ưu: 200-2100C; Nồng độ axit tối ưu: 12 M; Nồng độ amoni tối ưu: 12 Mb.
·    Đã nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất phân bón với công suất 200.000 lít/năm. Các thông số kỹ thuật tối ưu: Dây chuyền được thiết kế bằng hệ composite không bị ăn mòn và chịu được axit; Dung tích mỗi bình là 200 Lít; Dây chuyền gồm 4 bình phản ứng tạo phức với hệ thống thông nhau; Hệ thống cánh khuấy cho mỗi bình phản ứng với tốc độ khuấy tối đa là 1800 vòng/phút; Thời gian tạo phức tới ưu là 60 phút và hệ phức ổn định trong 24 giờ; Hệ phức được lựa chọn là Lactat – Đất hiếm, Humat – Đất hiếm; Glutamat – Đất hiếm với tỉ lệ phối trộn tối ưu là 1:3:2.
·    Đã nghiên cứu thành công quy trình tách oxit đất hiếm từ quặng monazite mỏ nam Đề Gi. Kết quả thu được: + Tổng oxit đất hiếm sạch đạt 99% là 500 Kg + La(OH)3 đạt độ sạch 99,5% là 10 kg + Ce(OH)4 đạt độ sạch 99,5% là 50 kg + Nd(OH)4 đạt độ sạch 99,5% là 02 kg + Pr(OH)3 đạt độ sạch 99,5% là 01 kg.
·    Đã tổng hợp thành công 20.000 lít phân bón vi lượng đất hiếm dạng lỏng
·    Đã khảo nghiệm và canh tác thành công trên 100 Ha một số loại cây trồng khi sử dụng phân bón vi lượng đất hiếm tổng hợp được trên một số tỉnh thành như Bình Định, Gia Lai, Đà lạt, Kontum, Ninh Thuận, ĐắkLắk, Bình Phước, Phú Yên và Bắc Giang. Kết quả thu được cho thấy năng suất tăng so với mẫu đối chứng 10 -30 %., chất lượng tốt và hình dạng trái đều bóng mượt … Bước đầu thành công trong việc sản xuất thử nghiệm và đưa ra thử nghiệm trên diện rộng cho thấy hiệu ứng tốt đối với cây trồng và sự nhiệt thành đón nhận sản phẩm của người làm nông nghiệp.

Đây cũng là bước đầu để đề tài tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19759/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn