Thiết kế và chế tạo robot y tế vận chuyển trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao
10:58 SA,03/11/2022

Với mục tiêu làm chủ kỹ thuật, công nghệ thiết kế, chế tạo robot phục vụ trong y tế nói chung và robot y tế vận chuyển nói riêng. Phát triển hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao để hỗ trợ, thay thế con người trong việc phục vụ, chăm sóc người bệnh nói chung, người bị cách ly do nghi nhiễm virus nói riêng,... nhằm hạn chế việc lây nhiễm giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, người phục vụ. Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã khẩn trương triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao”, đặt tên là Vibot.

Hệ thống robot y tế vận chuyển giai đoạn 2 (Vibot-2) gồm trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot được thiết kế theo triết lý một nền tảng - đa mục đích (One Platform - Multi Purpose) cho phép robot thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,... từ ngoài khu vực cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài khu vực cách ly.

Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với trung tâm giám sát, điều khiển. Với chức năng này, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sỹ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên,…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao. Từ trung tâm có thể giám sát và điều khiển được cùng lúc nhiều robot như: theo dõi trạng thái kỹ thuật, thiết lập chương trình đưa đồ ăn, thuốc, thu rác, điều khiển di chuyển từng robot. Chính vì thế, việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot để hoạt động theo nhóm có thể được thực hiện dễ dàng.

Vibot-2 được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh hơn như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài; khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn,… Đây là các tính năng giúp cho các robot có thể hoạt động linh hoạt trong môi trường bệnh viện nói riêng cũng như trong các môi trường làm việc cùng con người nói chung. Các tính năng giao tiếp và truyền thông kế thừa sản phẩm giai đoạn 1, có thay đổi để đáp ứng yêu cầu về tính thông minh, đồng bộ, tự chủ cao, khả năng điều khiển đồng thời nhiều robot, nhiệm vụ đa dạng, trong phạm vi rộng.

Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong phòng chống dịch bệnh  COVID-19 và khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

  Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số ĐTĐLCN.45/20) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn