Ứng dụng công nghệ thị giác máy độ chính xác cao trong đo lường sản phẩm gia công cơ khí, chế biến chế tạo
3:52 CH,06/10/2022

Phương pháp đo không tiếp xúc sử dụng công nghệ thị giác máy được đánh giá là một trong những phương pháp nổi bật nhất trong lĩnh vực đo lường. Ưu điểm của công nghệ đo này là không cần chạm vào vật mẫu nhưng vẫn cho kết quả nhanh và chính xác. Áp dụng công nghệ thị giác máy vào đo lường giúp tăng cường năng lực kiểm tra, giảm thời gian trong quá trình kiểm tra, đánh giá sản phẩm. Qua đó, tăng năng suất sản xuất của nhà máy, kiểm soát chất lượng sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Nhằm tận dụng những ưu điểm của công nghệ thị giác máy, với mục tiêu nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy. Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa phân viện TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy”.

Triển khai thực hiện đề tài, nhóm thực hiện bắt đầu nghiên cứu tổng quan công nghệ đo kích thước không tiếp xúc cũng như tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, nhóm thiết lập được mô hình cấu trúc tổng quan thiết bị với cấu trúc tổng thể bao gồm hệ thống cơ khí, hệ thống phần mềm máy tính và hệ thống phần mềm điều khiển. Bước tiếp theo, nhóm tiến hành nghiên cứu, thiết kế và xây dựng các thành phần và chức năng của từng khối từng module.

Đối với việc xây dựng hệ thống phần mềm điều khiển, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ phần mềm điều khiển, thu thập dữ liệu và phần mềm thị giác máy tính. Trong đó, phần mềm điều khiển và thu thập dữ liệu có chức năng điều khiển động cơ bước, điều khiển cường độ đèn chiếu sáng, điểu khiển các tham số của camera như thời gian phơi sáng, độ phân giải, vùng nhìn..., thu thập dữ liệu hình ảnh và dữ liệu vị trí cảm biến truyền lên cho phần mềm máy tính xử lý. Trong khi đó, phần mềm thị giác máy tính có chức năng xử lý hình ảnh từ camera, xử lý kết quả đo được theo từng phép đo, quản lý giám sát các mẫu đo (NG/OK), cấu hình và hiệu chỉnh phép đo trên máy tính, xuất dữ liệu báo cáo thông kê theo ca sử dụng.

Song song với đó, nhóm nghiên cứu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của thiết bị, từ đó xây dựng các biện pháp cải tiến, hạn chế tối thiếu các tác động lên thiết bị, nâng cao độ chính xác, tính ổn định cho thiết bị.

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng các thiết bị đo kích thước không tiếp xúc tại các doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, chế biến chế tạo ngày một lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị đo kích thước không tiếp xúc chưa được đơn vị nào thực hiện. Do đó, đề tài “Thiết kế, chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy” của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa phân viện TP Hồ Chí Minh thực hiện được đánh giá có triển vọng ứng dụng trong thực tế, sản phẩm của đề tài cũng cơ bản đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp.

Nguồn: https://khcncongthuong.vn/
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn