Viện Ứng dụng công nghệ: Tiếp tục triển khai thí điểm một số lĩnh vực có thế mạnh, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối với các trường đại học, địa phương và hợp tác quốc tế
4:07 CH,31/08/2022

Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ Nguyễn Phú Hùng cho biết, qua 38 năm hình thành và phát triển, hoạt động của Viện luôn được sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như sự ủng hộ của các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ. Theo đó, Viện đã hình thành một truyền thống đoàn kết, có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước; đồng thời là một trong những đơn vị đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ quang-điện tử, công nghệ laser tại Việt Nam; đã tạo nhiều sản phẩm khoa học vào thực tiễn trong các lĩnh vực khác nhau như: Điện tử viễn thông, tin học (nghiên cứu thử nghiệm thành công hệ thống thông tin quang 34Mbit/s, tạo tiền đề cho phát triển phổ biến các hệ đường trục cáp quang hiện nay; máy tính “Bác Tô” đầu tiên tại Việt Nam, phần mềm dịch tự động Anh Việt…); Y tế (các thiết bị phẫu thuật laser, thiết bị tán sỏi laser, trị liệu laser… được Bộ Y tế cấp phép); An ninh Quốc phòng (Hệ quang truyền hình chuyên dụng cho điều khiển tên lửa; hệ thống xử lý thông tin bám đối tượng bay, máy chỉ huy phục vụ đánh đêm),…

Ngoài ra, Viện cũng là nơi ươm tạo thành công nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp trở thành các tập đoàn lớn hiện nay: FPT, CMC, T&T, Nacenimex, Nacenopto,…

Tuy nhiên, Viện trưởng Nguyễn Phú Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn hiện tại, đồng thời cho biết các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 mà Viện tập trung thực hiện, như: Rà soát, bổ sung sửa đổi ban hành các quy chế, quy định mới của Viện, công tác tổ chức cán bộ, rà soát, sắp xếp chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị; Tập trung chỉ đạo hoạt động KH&CN: đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp trên cơ sở thế mạnh của của từng đơn vị, từ đó định vị lại định hướng cho từng đơn vị và cho Viện; Đẩy mạnh công tác thị trường: dịch vụ đo lường, chuyển giao kết quả nghiên cứu; mở rộng các nhiệm vụ phục vụ địa phương...; Chỉ đạo rà soát, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu và công tác quyết toán các dự án hoàn thành. Trong đó, đặc biệt chú trọng dự án đầu tư trung hạn Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tài sản, tiến hành rà soát toàn bộ tài sản, nhà đất, trang thiết bị hiện có, từ đó xây dựng phương án sử dụng hiệu quả trang thiết bị được đầu tư và cơ sở vật chất nhà, xưởng; Chú trọng đến việc sử dụng trang thiết bị cho dịch vụ đo lường, thử nghiệm; Xây dựng định hướng phát triển Viện đến năm 2030 tầm nhìn 2045,…

Đồng thời, Viện tiếp tục chỉ đạo thực hiện có chất lượng công tác xây dựng kế hoạch năm 2023 với chủ trương tăng cường khai thác nhiệm vụ KH&CN từ các chương trình quốc gia và từ nhiều nguồn kinh phí khác ngoài Bộ KH&CN, đặc biệt từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; thúc đẩy thực hiện tốt các kế hoạch hợp tác với các Doanh nghiệp, Viện – Trường, địa phương và hợp tác quốc tế đã được ký kết; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc.

Định hướng giai đoạn 2021-2025, 2026-2030, Viện trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Bộ theo bốn hướng trọng tâm gồm: Công nghệ quang - điện tử trong đó bao gồm laser, hồng ngoại, mạ màng cứng, màng mỏng…; Điện tử chuyên dụng bao gồm vi điện tử, IoT, sensor độ nhạy cao, robot…; Công nghệ sinh học bao gồm vi sinh, tách chiết hoạt chất, chế biến chế phẩm sinh học, lai tạo giống…; Công nghệ vật liệu và linh kiện điện tử bao gồm vật liệu phân hủy, vật liệu tiên tiến cho linh kiện điện tử, vật liệu xử lý ô nhiễm môi trường,...
 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành công nổi bật của Viện trong gần 40 năm qua, trong đó phải kể đến sự chủ động về mặt chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện thời gian qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Viện cần xây dựng, định hướng phát triển dài hạn (chiến lược), bổ sung, hoàn thiện một số lĩnh vực mới; triển khai thí điểm các cơ chế chính sách phù hợp như công nghệ sinh học nhằm đưa công nghệ sinh học có bước chuyển biến tích cực hơn nữa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Viện tiếp tục rà soát, triển khai thí điểm một số lĩnh vực được coi là thế mạnh của Viện, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối với các trường đại học, địa phương cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Viện cần tiếp tục thu hút, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với chính sách hỗ trợ phù hợp cũng như tạo môi trường làm việc tốt nhất có thể cho các bộ phận chuyên môn,…


Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ đã tập trung phân tích những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của Viện, đồng thời gợi mở những định hướng mới, phù hợp đối với sự phát triển của Viện trong bối cảnh hiện nay.


Thay mặt toàn thể lãnh đạo và cán bộ viên chức, người lao động của Viện, Viện trưởng Nguyễn Phú Hùng gửi lời cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các định hướng của Viện trong thời gian tới.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn