Trung Quốc phóng thành công module thứ 2 của trạm vũ trụ
9:21 SA,25/07/2022
Tên lửa hạng nặng Trường Chinh 5B đưa module Vấn Thiên lên không gian từ cảng vũ trụ Văn Xương, đảo Hải Nam, lúc 13h25 ngày 24/7/2022 (giờ Hà Nội).Module Vấn Thiên dài khoảng 17,9 m sẽ sớm khớp với quỹ đạo của Thiên Hòa - module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung, phóng vào tháng 4 năm ngoái. Vấn Thiên dự kiến đến điểm hẹn quỹ đạo và ghép nối với Thiên Hòa cuối ngày hôm nay.
Vấn Thiên là module thứ hai trong số ba module theo kế hoạch của Trung Quốc. Module thứ ba, Mộng Thiên, dự kiến phóng vào tháng 10, giúp hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung hình chữ T. Tính cả tàu vũ trụ chở người Thần Châu và tàu chở hàng Thiên Châu cập bến, trạm Thiên Cung khi hoàn thành sẽ nặng bằng khoảng 20% Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trạm ISS có khối lượng khoảng 460 tấn.
Ba phi hành gia của tàu Thần Châu 14 đang ở trong module Thiên Hòa để chờ đón sự xuất hiện của module mới. Bộ ba sau đó sẽ kiểm tra Vấn Thiên và thực hiện bài giảng khoa học trực tiếp đầu tiên tại module này trong tương lai gần.
Vấn Thiên chủ yếu dành cho các nghiên cứu về khoa học sự sống vũ trụ. Nó trang bị những tủ thí nghiệm cho phép phi hành gia tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học khác nhau trên quỹ đạo. Ngoài ra, module này cũng mang theo những tấm pin mặt trời và một khóa không khí (airlock - khoang kín khí) mới cho các chuyến đi bộ ngoài không gian.
Vấn Thiên cũng trang bị thêm chỗ ngủ cho phi hành gia để Trung Quốc có thể tiến hành những đợt chuyển giao phi hành đoàn trong tương lai, khi 6 phi hành gia cùng ở trên trạm vũ trụ một thời gian ngắn. Đợt chuyển giao đầu tiên dự kiến diễn ra trước khi phi hành đoàn hiện tại rời đi vào tháng 12.
Vấn Thiên ban đầu sẽ cập cảng trước của Thiên Hòa, nhưng cánh tay robot dài 10 m của Thiên Hòa sẽ đặt lại Vấn Thiên sang một cảng bên trong những tháng tới. Vấn Thiên cũng trang bị cánh tay robot riêng dài 5 m, có thể hoạt động độc lập hoặc kết nối với cánh tay robot lớn hơn của Thiên Hòa.
Trung Quốc dự định duy trì sự hiện diện liên tục của phi hành đoàn trên trạm Thiên Cung trong ít nhất một thập kỷ, mỗi phi hành đoàn gồm 3 phi hành gia và ở lại trên trạm khoảng 6 tháng. Nước này cũng sẽ cho phép các phi hành gia nước ngoài, thậm chí cả khách du lịch ghé thăm trạm vũ trụ trong tương lai, đồng thời tổ chức các thí nghiệm quốc tế.Trạm vũ trụ cũng sẽ kết hợp với một kính viễn vọng không gian mạnh mẽ mang tên Xuntian, dự định phóng lên khoảng năm 2024. Kính viễn vọng này dự kiến hoạt động trên quỹ đạo tương tự Thiên Cung, nghĩa là nó có thể cập cảng trạm vũ trụ để tiếp nhiên liệu, nâng cấp và sửa chữa.                 
Theo: vnexpress.net
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn