ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐỂ CHUẨN ĐOÁN, NHÂN GIỐNG SẠCH BỆNH VÀ QUẢN LÝ BỆNH VIRUS HỒ TIÊU
10:45 SA,20/04/2022
Ở Việt Nam, Hồ tiêu là một cây công nghiệp chính, kim ngạch xuất khẩu lớn, có giá trị kinh tế cao, đem lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Đến nay hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cùng với diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh thì tốc độ lây lan dịch bệnh hồ tiêu cũng ngày càng phức tạp, không chỉ phát sinh liên tục mà còn bùng phát do virus gây ra. Hơn nữa, triệu chứng điển hình để nhận biết bệnh do virus còn bị lẫn lộn với các triệu chứng “vàng” do nhiều nguyên nhân khác nữa. Trong khi đó, trên thế giới hiện nay, việc nghiên cứu bệnh virus gây hại trên hồ tiêu còn hạn chế. Chính vì vậy, Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học để chuẩn đoán, nhân giống sạch bệnh và quản lý bệnh virus hồ tiêu tại Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xác định thành phần virus hồ tiêu và đã nghiên cứu phát triển Kit-PCR chẩn đoán nhanh virus hồ tiêu ở Việt Nam từ việc nhận dạng được loại virus, Viện đã nghiên cứu và xác định cặp mồi PYMoV1aF/R (365bp) trong Kit đã thể hiện độ nhạy cao, phát hiện tốt virus trên các loại mẫu khác nhau với độ pha loãng 3.125 lần, rõ nét đến độ pha loãng 625 lần và đặc biệt là không xảy ra hiện tượng dương tính giả trên mẫu đối chứng cây khỏe. Đồng thời đã nghiên cứu quy trình nhân giống hồ tiêu sạch bệnh virus; quy trình được thực hiện từ khâu lựa chọn, đánh giá tập đoàn giống công tác từ một số giống trong và ngoài nước, sau đó chọn và sàng lọc được 3 giống gồm tiêu Vĩnh Linh, tiêu Trâu và tiêu Ấn Độ, mỗi giống 10 cây. Sau đó bổ sung thêm 5 cây giống tiêu Sẻ Lộc Ninh; tiếp theo là sản xuất 35 cây đầu dòng sạch bệnh virus (Co) trong nhà lưới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ Tiêu – thuộc WASI, TP. Pleyku, Gia Lai và tiến hành duy trì và chum sóc. Những cây đầu dòng sạch bệnh virus được sử dụng làm vật liệu cho việc sản xuất cây nhân dây cắt sạch bệnh virus (C1); Cuối cùng là sản xuất vườn cây đầu dòng (C1) với 283 cây C1 sạch bệnh virus và sản xuất cây giống sạch bệnh virus (C2) với tổng số 3.750 cây con giống đã được sản xuất bằng phương pháp giâm hom từ 283 cây C1. Đã nghiên cứu biện pháp chống tái nhiễm bệnh virus hồ tiêu như điều kiện cách ly, việc tiêu hủy cây bị bệnh và sử dụng biện pháp sinh học và hóa học quản lý côn trùng môi giới và đã xây dựng được mô hình quản lý hồ tiêu sạch bệnh virus bền vững tại tỉnh Gia Lai và Bình Phước với quy mô 1ha/1 mô hình. Hiệu quả kinh tế kỹ thuật đem lại đó là: tỷ lệ phòng trừ rệp sáp đạt 88,3% so với đối chứng và phòng trừ đối với rệp muội là 97,1% so với đối chứng; chỉ số về khả năng sinh trưởng tăng (chiều cao tăng trung bình là 41 cm), tỷ lệ cây tái nhiễm bệnh giảm (0,67%), tỷ lệ năng suát tăng 16,1%. Chất lượng sản phẩm hạt hồ tiêu trong mô hình đẹp hơn so với sản xuất đại trà nên giá bán cao hơn, do đó lãi lớn hơn.
Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20174) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn