Trung Quốc lần đầu đo được dữ liệu trường hấp dẫn toàn cầu
9:15 SA,16/03/2022

Bằng cách sử dụng vệ tinh riêng, Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hiện được dữ liệu trường hấp dẫn toàn cầu, và chính thức trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đo được dữ liệu này, sau Mỹ và Đức.

Tờ Global Times dẫn lời ông Luo Jun, nhà khoa học chính trong chương trình phát hiện sóng hấp dẫn Tianqin, cho biết vệ tinh Tianqin-1 của Trung Quốc gần đây đã thu được các dữ liệu trường hấp dẫn của Trái Đất. Vệ tinh này được phóng ra ngoài không gian vào tháng 12/2019.

Theo các nhà khoa học, dữ liệu này có ý nghĩa chiến lược lớn đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. Cụ thể, nó sẽ được sử dụng trong mục đích trắc địa học, địa vật lý, thăm dò tài nguyên dầu khí, quốc phòng và an ninh, đồng thời giúp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tháng 8/2020, Tianqin-1 đã thực hiện một thử nghiệm về trường hấp dẫn trong khoảng 30 giờ. Trong thời gian này, máy thu của Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu và cảm biến quán tính của Tianqin-1 đã được kích hoạt, và đường bay của vệ tinh này về cơ bản đã bao phủ toàn thế giới.

Với dữ liệu thu được, nhóm dự án Tianqin đã viết một báo cáo khoa học về dữ liệu trường hấp dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, phép đo trường hấp dẫn của Tianqin-1 lại có độ chính xác chưa cao.

Dù vậy, ông Luo Jun cho biết kết quả này đặc biệt ý nghĩa khi đã đặt nền tảng kỹ thuật cho chương trình vệ tinh trọng lực tiếp theo của Trung Quốc.

Tianqin-1 không phải là một vệ tinh chuyên về lực hấp dẫn do mục đích của nó là xác minh các công nghệ quan trọng để phát hiện sóng hấp dẫn trong không gian, nhưng nó vẫn đạt được những bước đột phá bất ngờ.

Sun Heping, một học giả tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), nhận xét Tianqin-1 không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ xác minh kỹ thuật mà còn thu được kết quả vượt quá mong đợi khi trở thành vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc đo được trường hấp dẫn.

Ông Luo tiết lộ dự án vệ tinh Tianqin-2 cũng đang tiến triển tích cực. Sắp tới, hai vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo trong sứ mệnh Tianqin-2 để kiểm tra trường hấp dẫn.

Sau đó, trong dự án Tianqin-3, sẽ có ba vệ tinh được đưa lên vũ trụ. Chương trình cuối cùng sẽ có ba vệ tinh tạo thành một tam giác đều xung quanh Trái Đất.

                                                                                                                                                                                                                 Nguồn: TTXVN

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn