Các hạt ống nano carbon hai mặt tạo ra điện trong thiết bị MIT
4:25 CH,07/10/2021

Các kỹ sư tại MIT đã phát triển một thiết bị tạo ra điện bằng cơ chế hoàn toàn mới. “Các hạt” làm bằng ống nano carbon được ngâm trong dung môi hữu cơ, tạo ra dòng điện có khả năng cung cấp năng lượng cho các rô bốt nhỏ hoặc điều khiển các phản ứng hóa học.

Các ống nano carbon được biết đến là chất dẫn điện tuyệt vời, các nhà nghiên cứu của MIT đã tìm ra cách để khai thác điều đó. Nhóm nghiên cứu đã phủ một nửa vật liệu ống nano trong một polyme giống như Teflon, điều này cho phép các điện tử di chuyển từ nửa được phủ sang nửa không được phủ. Khi vật liệu này được ngâm trong dung môi hữu cơ, chất lỏng bắt đầu kéo các điện tử ra khỏi phần không được phủ, đáp lại các điện tử dịch chuyển từ phần được phủ - do đó tạo ra dòng điện.

Với cơ chế đó, nhóm nghiên cứu đã tìm cách tạo ra một thiết bị có thể sử dụng nó. Họ tạo ra một tấm ống nano carbon, phủ một bề mặt bằng polyme, sau đó cắt tấm này thành các hạt nhỏ có chiều rộng 250 micromet, tạo ra các vật thể hai mặt được gọi là hạt Janus. Những hạt này được đặt trong một ống nghiệm chứa dung môi, nơi chúng tạo thành từng mảng bởi hàng trăm hạt để tạo ra một lò phản ứng “đóng gói”. Trong các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ thống có thể tạo ra khoảng 0,7 vôn cho mỗi hạt, đủ để cung cấp năng lượng cho phản ứng oxy hóa rượu. Trong phản ứng này rượu được chuyển đổi thành anđehit hoặc xeton, thường dùng phổ biến trong công nghiệp hóa chất.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nguồn:https://newatlas.com/energy/two-faced-carbon-nanotube-particles-electricity-generator/, ngày 7/6/2021.


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn