Nữ sinh trung học sáng chế máy đo địa chấn chính xác, siêu rẻ
3:56 CH,26/07/2021

Vivien He cho biết, với chưa đến 100 USD, cô hy vọng một ngày nào đó, máy đo địa chấn này có thể là một thiết bị an toàn gia đình thông thường giống như một máy dò khói thông minh.

Máy đo địa chấn của cô bé có kích thước nhỏ như một khối Rubik và được bọc trong lớp acrylic trong suốt, kiểu dáng đẹp, sẵn sàng cho người tiêu dùng. Geophone của thiết bị phát hiện chuyển động trên mặt đất, trong khi phần cứng và phần mềm trên bo mạch chuyển tín hiệu điện của geophone thành dạng sóng kỹ thuật số. Thiết bị đã phát hiện tất cả các trận động đất trên 3,0 độ richter xung quanh Los Angeles kể từ tháng 9 năm 2020.

Khi động đất mạnh hơn ngưỡng cảnh báo do người dùng đặt, thiết bị có thể phát âm thanh báo động trên bo mạch để cảnh báo tại chỗ, gửi tin nhắn văn bản đến các thuê bao địa phương của dịch vụ cảnh báo khu vực và có thể được điều khiển từ điện thoại thông minh.

Nghiên cứu này đã được trình bày tại Hội nghị thường niên năm 2021 của Hiệp hội Địa chấn học Mỹ (SSA). Cô bé cũng giành được một suất du lịch Sinh viên SSA và là học sinh trung học duy nhất trong số tất cả những người đoạt giải và được tham dự hội nghị miễn phí ( bình thường, những người tham dự phải đóng phí).

                                                                                           Nguồn: Scitechdaily.com

Biến phế phẩm ngô thành than hoạt tính lọc nước

Các nhà nghiên cứu từ Đại học California phát triển thành công than hoạt tinh từ phế phẩm ngô có khả năng lọc 98% chất gây ô nhiễm nước.

Ngô là nông sản hàng đầu của Mỹ nhưng cũng là một trong những loại cây nông nghiệp lãng phí nhất. Hầu hết thân, lá, vỏ bắp và lõi ngô sau khi tách hạt đều trở thành chất thải. Chúng ít được sử dụng cho mục đích thương mại hoặc công nghiệp ngoài việc đốt cháy.

Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí ACS Omega, các kỹ sư từ Đại học California tại Riverside (UC Riverside) do trợ lý giáo sư về kỹ thuật hóa học và môi trường Kandis Leslie Abdul-Aziz dẫn đầu đã tìm ra cách tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào này để sản xuất than hoạt tính giúp xử lý nước ô nhiễm, mang lại giá trị kinh tế.

Thay vì sử dụng phương pháp đốt cháy truyền thống, nhóm nghiên cứu nhận thấy quy trình xử lý phế phẩm ngô bằng nước nén nóng, giống như carbon hóa thủy nhiệt, cho phép tạo ra một loại

than hoạt tính có diện tích bề mặt cao hơn với lỗ xốp lớn hơn. Những đặc điểm này giúp carbon hấp thụ nhiều vanillin hơn, một chất gây ô nhiễm phổ biến trong nước. Thử nghiệm thực tế đã chứng minh chúng có khả năng lọc vanillin lên tới 98%.

"Tôi tin rằng với tư cách là kỹ sư, chúng tôi nên đi đầu trong việc tạo ra các phương pháp tiếp cận mới nhằm chuyển đổi chất thải thành vật liệu, nhiên liệu và hóa chất có giá trị cao, đồng thời giảm thiểu tác hại lên môi trường", Abdul-Aziz nhấn mạnh.

Đồng tác giả Mark Gale, cựu sinh viên UC Riverside và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Riverside City, cho biết thêm rằng việc tạo ra các loại than sinh học như vậy không chỉ làm tăng giá trị cho ngành công nghiệp sinh khối mà còn giúp giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch và góp phần chống biến đổi khí hậu.

                                                                                   Nguồn: vnexpress.net

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn