Tăng tiềm lực cho khoa học - công nghệ
4:19 CH,13/10/2020

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò chủ đạo tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước ngày càng quan tâm, chú trọng hơn đến tăng cường tiềm lực KH&CN.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, cả nước có khoảng 4.080 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN (thời điểm năm 2014 có 2.490 tổ chức), trong đó có 1.900 tổ chức công lập và 2.192 tổ chức ngoài công lập. Như vậy, 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 300 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN. Bộ KH&CN đã thực hiện đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ chế tự chủ tại các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập.

Tính đến nay, cả nước có gần 173.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, tập trung nhiều ở khu vực trường đại học, chiếm 46,4%; các tổ chức nghiên cứu và phát triển với 23%; nhân lực làm nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,6%. Theo chức năng làm việc, số lượng nghiên cứu viên chiếm 78,8 % (136.070 người), cán bộ kỹ thuật 6,4% (11.066 người), cán bộ hỗ trợ chiếm gần 15% (25.547 người).

Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu đã được cải thiện, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) đã tăng từ khoảng 43,8% (2011) lên khoảng 52,7%. Số cán bộ nghiên cứu quy đổi toàn thời gian có gần 67.000 người (7 người/vạn dân).

Cùng với đó, hệ thống pháp luật KH&CN ngày càng được hoàn thiện, tư duy quản lý được đổi mới mạnh mẽ, cập nhật các xu hướng quốc tế tiến bộ. Những đổi mới tích cực nhất trong quản lý hoạt động tập trung vào hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện các chính sách thu hút, sử dụng cán bộ, đặc biệt nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài để từng bước hình thành đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2020, hành lang pháp lý cho hoạt động và thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao tiếp tục được hoàn thiện. Các Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả… Với việc nâng cao tiềm lực, KH&CN Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội. Một số lĩnh vực trong khoa học tự nhiên (toán, vật lý) có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Việt Nam cũng duy trì được thứ hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo. Năm 2020 - năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, KH&CN đã thâm nhập được vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Có thể kể đến việc thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; công nghệ khai thác dầu trong đá móng; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ công nghệ đóng tàu; xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc…

Nguồn: Báo Công thương, ngày 12/10/2020.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn