Công nghệ năng lượng nào chiếm ưu thế trong tương lai?
4:26 CH,18/09/2020

Sáng 17/9, Bộ KH&CN phối hợp cùng Bộ Công Thương đã tổ chức diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước.

-          Sử dụng năng lượng tái tạo gắn với năng lượng bền vững

TS Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, chuyển dịch năng lượng là sự thay đổi chính sách, cơ cấu, công nghệ của ngành năng lượng, từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than, dầu khí, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững như gió, mặt trời, sinh khối… Tại Việt Nam, năm 2019 sản lượng điện EVN sản xuất và mua đạt mức 231,10 tỷ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018, đáng chú ý là tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn điện gió và mặt trời tăng mạnh từ 0,79 tỷ kWh vào năm 2018 lên 6,10 tỷ kWh vào năm 2019, tăng gấp 7,7 lần và chiếm 2,64% sản lượng điện sản xuất và mua.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống. Để phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời, khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp… Tuy nhiên, để phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo thì phải tập trung vào chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Cơ chế này tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư.

-          Sản xuất điện từ hydro, dùng bộ lưu trữ điện…

Theo TS Trần Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam, trước thực trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay thì việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Theo dự báo của Hội đồng Năng lượng Thế giới, vào năm 2040, nước sẽ là nguồn năng lượng khan hiếm nhất, sau đó là dầu, các nguồn năng lượng từ các mỏ như mỏ than, mỏ khí… khí tự nhiên cũng sẽ dần cạn kiệt. Sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất như tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt, đổi mới công nghệ trong sản xuất, áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện… Các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất vào năm 2040. Điện mặt trời trên mái, các thiết bị lưu trữ điện, các thiết bị sử dụng điện hiệu quả sẽ là các công nghệ có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ năng lượng.

Theo ông Lê Đình Chiến, Ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong bức tranh chuyển dịch năng lượng thì sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo cần được tính đến. Hydro có hiệu quả chuyển đổi năng lượng cao, được sản xuất từ nước và không tạo ra khí thải, trữ lượng lớn, có thể vận chuyển ở khoảng cách xa. Hydro được sản xuất từ các nguyên liệu chính là hydrocarbon, sinh khối, nước… nên có thể coi là nguồn tài nguyên vô tận cần tính đến.

Công nghệ năng lượng nào sẽ chiếm ưu thế trong tương lai, có khả năng áp dụng tại Việt Nam? Theo TS Trần Anh Tuấn, trước hết là các thiết bị lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Bởi vì nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung. Lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả. Thứ hai là các tấm pin mặt trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin mặt trời càng ngày càng rẻ và hiệu quả hơn. Thứ ba là hydro sạch, năng lượng gió sẽ góp phần đáng kể vào sản xuất năng lượng.

Do vậy, TS Trần Anh Tuấn kiến nghị, cùng với phát triển năng lượng gió và mặt trời, cần có cơ chế/chính sách phát triển năng lượng hydro. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hydro là nguồn năng lượng của tương lai vì nó sạch, giá rẻ và sẵn có. Cần có cơ chế chính sách phát triển các phương tiện chạy bằng điện và các phương tiện chạy bằng hydro, sử dụng các thiết bị lưu trữ năng lượng trong sản xuất và phân phối điện.

Nguồn: Báo Khoa học và Đời sống, ngày 18/9/2020.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn