06 gói hỗ trợ về truyền thông cho Starup Việt trước bối cảnh Covid- 19
4:54 CH,30/07/2020

Mới đây, Văn phòng Đề án 844, Bộ KH&CN phối hợp tổ chức Hội thảo: “Chiến lược truyền thông của startup: Định vị thương hiệu – Phát triển thị trường” với sự tham dự của hơn 150 Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, người làm truyền thông, đại diện từ các cơ quan thông tấn báo chí cùng đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thông trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Lễ công bố thông tin 06 gói hỗ trợ về truyền thông và chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp KN ĐMST cũng mang đến những hỗ trợ thiết thực về việc quảng bá mô hình kinh doanh, phát triển thị trường cho doanh nghiệp KN ĐMST trước bối cảnh khó khăn từ đại dịch.

“Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp”.

Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Đề án 844, trong những năm vừa qua, "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) hết sức chú trọng cũng như dành nhiều nguồn lực và tâm huyết để phát triển câu chuyện truyền thông cho KN ĐMST nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, khuyến khích ĐMST trong cộng đồng. Cụ thể trong 5 năm triển khai Đề án, có 16 đơn vị nhận nhiệm vụ truyền thông hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên cả nước với những bước chuyển biến trong tư duy làm truyền thông cũng như cách tiếp cận truyền thông cho KN ĐMST. 

Ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc khu vực miền Bắc của Cloud Ace, đối tác cao cấp Google - cho biết: “Thông qua chương trình, các hỗ trợ thiết thực về truyền thông đã tiếp cận các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nhất là trong bối cảnh khó khăn từ đại dịch. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để tạo môi trường kết nối giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp”.

Ông Thắng nhận định, Việt Nam hiện nay có lợi thế lớn về nhân lực và năng lực. Tuy nhiên, tiềm năng đó thật sự có giá trị khi biết cách khai thác tập trung, đón đầu công nghệ 4.0 để mở rộng thị trường. Đó là điều còn thiếu ở hầu hết các start-up trẻ hiện nay, nhất là tại thời điểm khó khăn vì đại dịch. Những gói hỗ trợ kịp thời trong khuôn khổ Đề án 844 đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST vững vàng hơn trước những thách thức lớn của kỷ nguyên số.

Chia sẻ về chiến lược truyền thông hướng đến các thị trường mới, bà Diệp Quế Anh - Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philippines và những thị trường mới, cho biết ở Việt Nam quan điểm về truyền thông có nhiều sự khác biệt khi nhắc đến truyền thông thường nhắc đến những yếu tố như họp báo, thông cáo báo chí. Tuy nhiên theo bà, điều quan trọng nhất trong vấn đề truyền thông là xây dựng uy tín của doanh nghiệp, do vậy cần phải hiểu về ý nghĩa hoạt động của doanh nghiệp với xã hội, mục tiêu và nhiệm vụ của doanh nghiệp là gì thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm/dịch vụ.

Trả lời câu hỏi startup có nên làm truyền thông hay không, bàDiệp Quế Anh cho rằng nếu như có cơ hội startup nên làm truyền thông ngay từ những ngày đầu “để tạo cơ hội cho mình, cho thế giới biết tại sao doanh nghiệp lại ra mắt sản phẩm đó và sản phẩm đó giải quyết được vấn đề gì cho xã hội và đem lại những giá trị gì cho mọi người”.

Bà Natalie Đỗ - Giám đốc Phát triển toàn cầu của startup Việt tại Silicon Valley ELSA Speak cũng khẳng định truyền thông cần phải đúng định hướng, phải trả lời được câu hỏi giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho thị trường là gì, bên cạnh đó cũng cần tận dụng các nguồn lực hỗ trợ, tận dụng truyền thông để quảng bá sản phẩm.

Dưới góc độ của người đã đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, ông Nguyễn Thanh Sơn – Nhà đầu tư & Chủ tịch tập đoàn Media Ventures Vietnam cho biết không cần quan tâm đến startup tạo ra thương hiệu gì mà quan tâm đến việc họ giải quyết vấn đề gì, vấn đề có lớn và nhức nhối hay không, câu chuyện của họ có đủ sức thuyết phục hay không.

Về sự khác biệt giữa chiến lược truyền thông cho startup từ giai đoạn bắt đầu so với giai đoạn hướng đến thu hút vốn đầu tư, cho rằng ở giai đoạn đầu, truyền thông, báo chí là con đường dễ dàng nhất để lan tỏa những thông điệp, mục tiêu của doanh nghiệp mình. Sau khi đã có vốn hoạt động thì câu chuyện PR sẽ nằm ở sản phẩm cũng như trải nghiệm, ý kiến của khách hàng. Bên cạnh đó, về kinh nghiệm tạo dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan báo chí, bà Natalie cũng chia sẻ cần phải tận dụng hết các mối quan hệ mình đang có và không ngừng phát triển mạng lưới báo chí, truyền thông của doanh nghiệp.

-         06 gói hỗ trợ truyền thông

 “Truyền thông Phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST”

Gói hỗ trợ này kéo dài đến hết năm 2020, với các hoạt động chính như tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu start-up ngành Logistics và phát triển thị trường cho start-up thương mại điện tử. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ truyền thông còn quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ra quốc tế, nhằm kết nối và mở rộng thị trường, thương mại hóa sản phẩm.

 “Truyền thông hỗ trợ startup kiểm nghiệm thị trường và thu hút đầu tư trong nước - quốc tế"

Vận hành từ 1/8 đến 1/9 năm 2020, gói hỗ trợ  tư vấn xây dựng kênh và sản xuất nội dung quảng cáo trên nền tảng Tiktok cho khoảng 15 - 20 start-up nhanh tay đăng ký. Cụ thể, gói giúp các start-up sáng tạo các nội dung giới thiệu doanh nghiệp, xu hướng khởi nghiệp, kiểm nghiệm các ý tưởng khởi nghiệp mới và hỗ trợ phát trên hệ sinh thái các kênh truyền thông của Công ty Cổ phần Sáng tạo Lê Minh.

 “Truyền thông nhằm quảng bá các điển hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Gói hỗ trợ này dành cho 30 – 50 start-up, gồm 12 chương trình talkshow trên VOV1 và Đài Truyền hình Nhân dân, với sự đồng hành của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Dự án kéo dài 12 tháng tính từ thời điểm hiện tại đến tháng 6/2021. Đồng thời, May Media tham gia hỗ trợ truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, với mục tiêu đạt 20 triệu lượt tiếp cận, 700.000 lượt tương tác, 750.000 lượt xem. Bên cạnh đó, chương trình hứa hẹn thu hút 200.000 lượt tiếp cận từ kênh báo chí truyền thống cho các dự án khởi nghiệp ĐMST.

 “Truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tập trung ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên để kiểm nghiệm và phát triển thị trường”

Triển khai từ tháng 8/2020, gói hỗ trợ dành cho 40 start-up được tuyển chọn. Cụ thể, gói thực hiện các nội dung truyền thông trên báo điện tử, báo giấy, truyền hình và các kênh mạng xã hội cho các doanh nghiệp được lựa chọn, đảm bảo 40 triệu lượt tiếp cận và 1 triệu lượt tương tác.

Gói hỗ trợ khởi nghiệp VietChance 2020

Gói hỗ trợ dành cho 12 - 15 start-up, triển khai tháng 8 - 10/2020. Các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ tham gia các hoạt động truyền thông trên kênh truyền hình VTC10. Bên cạnh đó, chương trình tạo cơ hội cho các start-up trẻ tham gia các sự kiện do NetViet tổ chức về khởi nghiệp ĐMST, nhằm kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.

Gói hỗ trợ Cloud Booster của Cloud Ace Vietnam

Triển khai đến hết năm 2020, gói hỗ trợ bao gồm 8 giờ technical support cùng 500 USD trong quá trình sử dụng dịch vụ trên nền tảng Google Cloud (GCP) cho mỗi doanh nghiệp start-up. Bên cạnh đó, Cloud Ace còn tổ chức workshop hướng dẫn tổng quan về GCP, tặng 50 credit để thực hành trên Qwiklabs - nền tảng mô phỏng và cung cấp cho người dùng những hướng dẫn chi tiết để làm việc với GCP.

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, ngày 28/7/2020.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn