Phục hồi diện tích cây ăn quả sau hạn hán, xâm nhập mặn
3:28 CH,18/06/2020

Mùa khô năm 2019-2020, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán, xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích cây ăn quả bị thiệt hại. Hiện nay, hạn, mặn đã giảm, mưa xuất hiện ở nhiều địa phương, vì vậy việc khôi phục lại những vườn cây ăn quả bị ảnh hưởng là một trong những ưu tiên lớn của các nhà vườn.

Bước vào mùa khô năm 2019-2020, theo dự báo, có khoảng 130.000 ha cây ăn quả khu vực ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn (chiếm khoảng 39% diện tích toàn vùng), với các chủng loại cây: xoài, chuối, thanh long, dứa, cây có múi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa... Do lường trước được những khó khăn đó, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ vườn cây, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Vì vậy, diện tích cây ăn quả bị thiệt hại không đáng kể so với đợt hạn, mặn năm 2015-2016. Đến nay, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của khoảng 80.000 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Một số địa phương, do hạn, mặn diễn ra khốc liệt, đã có hàng nghìn héc-ta cây ăn quả bị thiệt hại, điển hình tại huyện Châu Thành (Bến Tre) thiệt hại khoảng 50% diện tích chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng…, trong đó, gần 3.000 ha diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 70% và hơn 1.200 ha bị thiệt hại hơn 70%. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có hơn 13.500 ha sầu riêng và trong đợt hạn, mặn vừa qua đã có khoảng 4.799 ha bị ảnh hưởng…

Sau đợt hạn, mặn, nhiều diện tích cây ăn quả bị suy kiệt, nguy cơ gây chết, giảm năng suất vẫn có thể xảy ra do cây và đất đã nhiễm mặn trước đó. Do vậy, người dân cần tiếp tục theo dõi thông tin hạn, mặn để chủ động ứng phó và áp dụng các biện pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để phục hồi sinh trưởng và phát triển vườn cây.

Theo dự báo, do biến đổi khí hậu, lượng nước thiếu hụt, cho nên hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL thời gian tới sẽ còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất cây ăn quả vùng trọng điểm này. Vì vậy, cùng với việc cập nhật thông tin về tình hình hạn, mặn để kịp thời lấy nước ngọt và ngăn mặn, các địa phương cần tiếp tục đầu tư hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng thủy lợi phục vụ chống hạn, mặn bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn quả; đẩy mạnh nghiên cứu chọn lọc, lai tạo những giống cây trồng mới có khả năng chống chịu được hạn, mặn. Đánh giá mức ảnh hưởng BĐKH và dự báo, đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn… Từ thực tiễn từng địa phương và vùng ĐBSCL, tăng cường truyền thông phổ biến kiến thức cho nông dân điều chỉnh vùng chuyên canh cây ăn trái dựa vào đặc tính chịu mặn từng nhóm cây, thí dụ nhóm mẫn cảm mặn chịu được nồng độ mặn thấp từ 0,5‰ đến dưới 1‰ như bơ, chuối, nhãn, đu đủ, sầu riêng…; nhóm chịu mặn trung bình, chịu được từ 1‰ đến 2‰ như cây có múi, ổi; nhóm chịu khá, độ mặn từ 3‰ đến 4‰ như mít, xoài, mãng cầu…

Bên cạnh đó, cần trữ nước ngọt trong kênh, rạch, một số nơi, bà con trữ nước ngọt trong túi ni-lông dày, đặt dưới gốc cây trồng trong những tháng nước mặn cho thấy hiệu quả; áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nhằm hạn chế thất thoát và bảo đảm nước tưới cho cây khi xảy ra hạn, mặn. Trên thực tế, đợt hạn, mặn vừa qua, nhân dân các địa phương đã áp dụng những mô hình này và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây ăn quả. Tại tỉnh Sóc Trăng, người dân đã cải tạo ao trữ nước ngọt và phủ rơm rạ, lá cây dưới gốc bưởi để tạo độ ẩm, vừa phòng, chống mặn xâm nhập vừa bảo đảm nước tưới cho cây. Tại Hậu Giang, nhiều vườn trồng cây ăn quả áp dụng mô hình tưới tiết kiệm không những giảm chi phí, công lao động mà còn tiết kiệm lượng nước ngọt trong kênh, rạch để phục vụ sản xuất.

Nguồn: Báo Nhân Dân, ngày 18/6/2020.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn